Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ “ra điều kiện” cho nhau

Thông tin trên được Reuters tiết lộ sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 29-5.

Cuộc điện đàm được gọi đi từ phía Mỹ khi ông Joe Biden chúc mừng ông Tayyip Erdogan tái đắc cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhiệm kỳ thứ ba.

“Tôi đã trao đổi với ông Erdogan. Tôi chúc mừng ông ấy tái đắc cử” – tổng thống Mỹ nói với các phóng viên khi rời Nhà Trắng đến bang Delaware – “Ông Tayyip Erdogan nhắc lại mong muốn phía Mỹ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ máy bay chiến đấu F1-6. Tôi đã nói với ông ấy rằng chúng tôi muốn Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO và việc này phải được hoàn thành trước”.

Tại cuộc điện đàm, đôi bên chưa đáp ứng được các yêu cầu cũng như mong muốn của nhau. “Chúng tôi sẽ trao đổi nhiều hơn về những vấn đề này vào tuần tới” – Tổng thống Joe Biden nói.

Theo quy định, để trở thành thành viên NATO, ứng viên phải được tất cả các thành viên khác trong khối chấp thuận. Tuy nhiên, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cho tới nay vẫn chưa chấp thuận đơn gia nhập của Thụy Điển.

Một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hạ cánh tại một sân bay vừa xây dựng ở Istanbul năm 2018. Ảnh: REUTERS

Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách mua phi đội máy bay chiến đấu F-16 trị giá 20 tỉ USD từ phía Mỹ. Mong muốn này bị Quốc hội Mỹ chặn lại nhằm phản đối Ankara về các vấn đề nhân quyền và chính sách của họ với Syria.

Quốc hội Mỹ hồi đầu năm chỉ chấp thuận gói thầu 259 triệu USD, bao gồm việc nâng cấp phần mềm điện tử cho phi đội máy bay chiến đấu F-16 hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này được các nhà lập pháp Mỹ thông qua chỉ vài ngày sau khi Ankara phê chuẩn việc gia nhập NATO của Phần Lan.

Chính quyền ông Biden đã nhiều lần bác bỏ bất kỳ ám chỉ nào về nguyên tắc “có qua có lại” giữa việc mua bán và việc mở rộng NATO – trái với tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu vào hồi tháng 1.

Thực tế, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ vào tháng 2 đã gửi thư cho Tổng thống Joe Biden nói rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thông qua việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, họ cũng sẽ không bỏ phiếu thông qua, ám chỉ việc bán F-16 cho Ankara.

Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, từ bỏ chính sách trung lập hàng thập kỷ, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2-2022.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn việc Phần Lan gia nhập NATO vào cuối tháng 3 song vẫn tiếp tục phản đối Thụy Điển, cho rằng Stockholm chứa chấp các thành viên của các nhóm vũ trang mà Ankara coi là khủng bố.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong một tuyên bố ngắn gọn về cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Mỹ cho biết đôi bên đã đồng ý tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực. Tầm quan trọng của mối quan hệ này thậm chí còn tăng lên khi đối mặt những thách thức khu vực và toàn cầu.


Bằng Hưng