Mỹ, Nga tranh cãi gay gắt về vụ Ba Lan trúng tên lửa

Mỹ và Albania yêu cầu HĐBA LHQ cập nhật tình hình Ukraine và phiên họp này đã bị phủ bóng bởi vụ việc đau lòng xảy ra vào ngày 15-11 khiến 2 nông dân Ba Lan thiệt mạng.

Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield khẳng định trước HĐBA LHQ rằng sự việc thương tâm nêu trên sẽ không xảy ra nếu Nga không tấn công Ukraine, không dội tên lửa vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Đại sứ Ba Lan Krzysztof Szczerski nhấn mạnh “những người dân vô tội đó sẽ không bị giết nếu Nga không phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield. Ảnh: Reuters

Đại sứ Nga Vassily Nebenzia đã đáp trả mạnh mẽ những chỉ trích nêu trên, đồng thời cáo buộc Mỹ và Ba Lan tìm cách đẩy Nga và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) vào một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp.

Đại sứ Nebenzia khẳng định ông muốn nhắc nhở những quốc gia chỉ trích Moscow rằng nếu Thỏa thuận Minsk được tuân thủ, Nga đã không cần phải triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine. Ra đời vào năm 2014, Thỏa thuận Minsk kêu gọi ban hành một mức độ tự trị nhất định cho các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk do Nga hậu thuẫn ở Đông Ukraine.

NATO và Ba Lan ngày 16-11 kết luận sơ bộ rằng vụ tấn công tên lửa ở Ba Lan “không phải là hành động cố ý” và dường như “không phải do Nga thực hiện”. Ảnh: Reuters

Đại sứ Nebenzia còn nói rằng sẽ không có hành động quân sự nào nếu phương Tây “không can thiệp và không cung cấp vũ khí, đạn dược cho Ukraine”, nếu phương Tây khuyến khích Ukraine “nỗ lực đạt thỏa thuận hòa bình trên cơ sở thực tế, thay vì nung nấu ảo tưởng rằng Ukraine có thể chiến thắng Nga”.

Đại sứ Woodward của Anh phản bác tuyên bố nêu trên, khẳng định trước HĐBA LHQ rằng: “Chúng tôi chắc chắn Ukraine sẽ chiến thắng. Việc Nga rút quân khỏi TP Kherson cho thấy sức mạnh, lòng can đảm và ý chí của người dân Ukraine trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia. Ảnh: Reuters


Hải Ngọc – Cao Lực