Mưa lũ phơi bày hiện thực buồn ở Seoul

Thiên tai này cũng buộc hơn 5.300 người đi sơ tán. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết đây là trận mưa lớn nhất kể từ khi Seoul bắt đầu thu thập dữ liệu thời tiết cách đây 115 năm.

Trong số 11 người thiệt mạng có 4 người sống trong “banjiha”, dạng nhà bán hầm chật hẹp, với phần lớn không gian nằm trong lòng đất. Vì thế, theo trang Bloomberg, nhà chức trách Seoul hôm 10-8 cho biết đang xem xét việc cấm xây dựng loại nhà hầm và bán hầm.

 Tính đến năm 2020, khoảng 5% ngôi nhà (tương đương 200.000 căn) tại thành phố này có cấu trúc ngầm hoặc bán ngầm. Sắp tới, chủ các nhà loại này sẽ có 10-20 năm để loại bỏ chúng.

Con đường băng qua một khu chợ ở Seoul tan hoang sau mưa lũ. Ảnh: REUTERS

Nhà “banjiha” là hình ảnh biểu tượng cho sự bất bình đẳng tại Hàn Quốc, được nêu bật trong bộ phim nổi tiếng “Parasite” (“Ký sinh trùng”).

Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Khoảng cách thu nhập giữa 20% hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thấp nhất đã mở rộng kể từ năm 2019, theo một báo cáo của Ngân hàng Shinhan hồi tháng 4.

Hãng tin Reuters cũng dùng cụm từ “giống như Parasite” khi mô tả tình cảnh một gia đình sống trong nhà “banjiha” tại khu dân cư Sillim dành cho người thu nhập thấp, phía Tây Nam Seoul. Gia đình này buộc phải ra ngủ ngoài công viên sau khi cố vớt được một ít đồ đạc từ căn nhà ngập nước của mình. Gia đình có 3 người tử nạn trong trận mưa lũ hôm 8-8 cũng sinh sống tại khu này.

Sau khi đến thăm khu Sillim hôm 9-8, Tổng thống Yoon đã lên tiếng xin lỗi vì để xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở Seoul, đồng thời kêu gọi các biện pháp cải thiện an toàn nhà ở nhằm bảo vệ người lớn tuổi, nghèo và khuyết tật. 


Anh Thư