Một khía cạnh khác của đại dịch Covid-19

Tuy nhiên lệnh phong tỏa đã mang đến một lợi ích không ngờ: bầu trời trở nên trong xanh trở lại. Theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, số lượng trung bình của “ngày có chất lượng không khí tốt” tăng 21,5% vào tháng 2 so với thời gian cùng kỳ năm 2019. Và tỉnh Hồ Bắc không phải là nơi duy nhất đạt được kết quả bất ngờ này.

Hình ảnh vệ tinh từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy sự sụt giảm đáng kể khí NO2, loại khí thải ra từ các phương tiện giao thông, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp, tại các thành phố lớn của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, những đám mây khí độc có thể nhìn thấy bằng mắt thường phía trên các nhà máy công nghiệp gần như biến mất hoàn toàn.

“Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong diện rộng như vậy vì một sự kiện cụ thể. Tôi không ngạc nhiên vì rất nhiều thành phố trong nước đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu sự lây lan của virus” – ông Fei Liu, một nhà nghiên cứu chất lượng không khí tại NASA, nói.

Ảnh vệ tinh cho thấy tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn tại Trung Quốc sụt giảm đáng kể. Ảnh: NASA

Ngoài NO2, lượng khí thải CO2 cũng giảm đi đáng kể. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), từ ngày 3-2 đến ngày 1-3, khí CO2 đã giảm ít nhất 25% nhờ các biện pháp chống dịch Covid-19.

Là nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới, mỗi năm Trung Quốc “đóng góp” 30% lượng khí thải CO2 của thế giới. Vì vậy, ảnh hưởng của sự sụt giảm này là rất lớn cho dù chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. CREA ước tính nó tương đương với 200 triệu tấn CO2, hơn một nửa toàn bộ lượng khí thải hàng năm của Anh.

Ngoài Trung Quốc, chất lượng không khí ở Hồng Kông cũng được cải thiện đáng kể. Theo dữ liệu của trường ĐH Sức khỏe Cộng đồng Hồng Kông, các tác nhân ô nhiễm chính đã giảm gần 1/3 trong tháng 1 và tháng 2.

Các trạm giám sát những khu vực đông đúc nhất của Hồng Kông cho biết nồng độ bụi mịn PM2,5 đã giảm 32%, bụi PM10 giảm 29% và khí NO2 giảm 22%. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm ở Hồng Kông bao gồm phương tiện giao thông, tàu thủy, nhà máy điện.

Tuy nhiên, trong khi các biện pháp phong tỏa được sử dụng để ngăn cản virus SARS-CoV-2 đã tạo ra tác động tích cực với tỉ lệ ô nhiễm của Trung Quốc, các chuyên gia cảnh báo khi nước này bắt đầu khởi động lại nền công nghiệp, các hóa chất độc hại có thể còn tăng cao hơn trước khi đại dịch xảy ra.


Bảo Hạnh (Theo CNN)