Kyrgyzstan – Tajikistan đụng độ chết người ở biên giới

Các hãng thông tấn Nga dẫn nguồn tin từ cơ quan biên phòng Kyrgyzstan cho biết vụ đấu súng nổ ra giữa các lính canh tuần tra biên giới Kyrgyzstan – Tajikistan ngày 14-9.

Cơ quan biên phòng Kyrgyzstan nói với hãng tin RIA Novosti rằng lính canh Tajikistan “đã nổ súng sau khi được yêu cầu rời khỏi vị trí chiến đấu dọc biên giới, buộc lính canh Kyrgyzstan phải sử dụng vũ khí để đáp trả”. 

RIA Novosti cho hay một lính biên phòng của Tajikistan đã thiệt mạng và 2 người khác bị thương trong cuộc đụng độ qua đêm. Cuộc đụng độ xảy ra trong bối cảnh giao tranh giữa Nga và Ukraine cũng như Azerbaijan và Armenia tiếp diễn. Lực lượng biên phòng Kyrgyzstan cáo buộc Tajikistan chiếm vị trí tại một phần của biên giới vốn chưa được phân định rõ ràng.

Lính biên phòng Kyrgyzstan tuần tra ở rìa khu vực Vorukh thuộc Tajikistan. Ảnh: Eurasianet

Trong khi đó, giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia – 2 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây – bùng lên từ ngày 13-9 và được đánh giá là cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ năm 2020.

Hãng tin AP thống kê giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia làm cho ít nhất 99 người thiệt mạng trong 2 ngày qua, bao gồm 49 binh sĩ Armenia và 50 binh sĩ Azerbaijan. 

Theo Bộ Quốc phòng Armenia, đụng độ nổ ra khi lực lượng Azerbaijan “tiến hành một loạt vụ pháo kích và tấn công bằng máy bay không người lái ở nhiều khu vực trên lãnh thổ nước này”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Azerbaijan tuyên bố họ đáp trả “hành động khiêu khích quy mô lớn” của Armenia vào tối 12-9. Cụ thể, quân đội Armenia đã “gài mìn và bắn vào các vị trí quân sự của Azerbaijan”. 

Hai nước bị mắc kẹt trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ liên quan tới Nagorno-Karabakh, một phần lãnh thổ của Azerbaijan nhưng nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng do Armenia hậu thuẫn kể từ khi cuộc chiến ly khai kết thúc vào năm 1994.

Azerbaijan sau đó giành lại các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Nagorno-Karabakh trong cuộc chiến kéo dài 6 tuần vào năm 2020. Hậu quả, hơn 6.600 người thiệt mạng và mọi chuyện tạm kết thúc bằng thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian. Moscow đã triển khai khoảng 2.000 binh sĩ tới khu vực này để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình theo thỏa thuận.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 13-9 đã kêu gọi 2 bên “kiềm chế để không làm leo thang căng thẳng”. Nga có quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ với Armenia, nơi đặt căn cứ quân sự của nước này, đồng thời phát triển hợp tác chặt chẽ với Azerbaijan giàu dầu mỏ.


Phạm Nghĩa