Khủng hoảng Ukraine mờ mịt lối ra

Cuộc xung đột Moscow – Kiev nổ ra hôm 24-2 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Sau 6 tháng, không có dấu hiệu nào cho thấy chiến sự sẽ sớm kết thúc hoặc hai bên sẵn sàng cân nhắc một thỏa thuận ngừng bắn.

 Dù vậy, ông Gennady Gatilov, Đại diện thường trực của Nga tại văn phòng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở TP Geneva – Thụy Sĩ, hôm 21-8, cho rằng LHQ nên đóng vai trò lớn hơn trong các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột. LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã làm trung gian thành công cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine.

Nga hiện kiểm soát phần lớn miền Đông và miền Nam của Ukraine, trong đó các cảng ở biển Đen đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Ở chiều ngược lại, Moscow cũng chịu thiệt hại vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Một số chuyên gia nhận định trong tình thế như thế, không bên nào có thể chiến thắng và cuộc xung đột có thể kéo dài nhiều năm.

Riêng bà Marie Dumoulin, chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại (Đức), nhận định sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây dành cho Ukraine cũng sẽ khiến không bên nào xuống thang. “Bên nào cũng nghĩ rằng mình vẫn có thể giành lấy lợi thế quân sự, vì vậy khó có khả năng xung đột sớm kết thúc” – bà Dumoulin giải thích.

Một tàu chở ngũ cốc Ukraine đến Ireland hôm 20-8 sau khi Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian thành công cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine Ảnh: REUTERS

Theo trang Bloomberg, chuyên gia Hal Brands của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ) gần đây cho rằng cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện bước vào giai đoạn thứ ba mang tính quyết định, trong đó sẽ có các cuộc phản công của Ukraine ở miền Nam.

 Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột kéo dài đến mùa đông năm nay và sang năm 2023, tình hình sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu phương Tây có tiếp tục ủng hộ Ukraine hay không, nhất là trong kịch bản giá nhiên liệu và lương thực vẫn còn cao.

Bà Dumoulin tin rằng nếu sự ủng hộ đó không còn, sẽ đến lúc Nga thúc giục các lãnh đạo phương Tây ép Ukraine chấm dứt xung đột theo các điều kiện của Nga. Tuy nhiên, nếu các đồng minh tiếp tục cung cấp viện trợ và vũ khí cho Kiev, lợi thế quân sự của Moscow có thể bị suy suyển dần.

Mở rộng ra, 6 tháng chiến sự Nga – Ukraine đã thay đổi trật tự thế giới, cũng như tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Chỉ hai năm sau khi đại dịch Covid-19 tàn phá thương mại toàn cầu, nhiều chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình đang cảm nhận được tác động của cuộc xung đột với nền kinh tế.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp, giá thực phẩm tăng cao và vấn đề thiếu lương thực có thể khiến nạn đói và bất ổn lan rộng ở các nước đang phát triển. Ngoài ra, lạm phát cao và giá năng lượng tăng vọt làm tăng nguy cơ về một mùa đông lạnh giá và tăm tối sắp tới.

Riêng với người dân châu Âu, khí đốt không chỉ đắt đỏ hơn nhiều mà còn có thể không có chút nào nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung sang châu Âu nhằm trả đũa đòn trừng phạt của phương Tây hoặc nếu các nước không dự trữ đủ cho mùa đông.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine buộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng rồi tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống còn 3,2%. Theo AP, đây là lần thứ 4 IMF có động thái này trong vòng một năm.

Trong khi đó, Chương trình Phát triển LHQ cho biết giá thực phẩm và năng lượng tăng đã khiến 71 triệu người trên toàn cầu rơi vào cảnh đói nghèo trong 3 tháng đầu tiên của cuộc chiến. Tổ chức Lương Nông LHQ dự báo sẽ có đến 181 triệu người ở 41 quốc gia lâm vào khủng hoảng đói trong năm nay.


Hoàng Phương