Khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu

Hãng tin ANI (Ấn Độ) dẫn lời ông Guterres cho biết gần 1 tỉ người, trong đó có hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên, gặp vấn đề về tâm thần và hầu hết họ đều khó tiếp cận sự điều trị. “Các dịch vụ y tế có thể không có sẵn hoặc vượt khả năng chi trả của người bệnh. Sự kỳ thị cũng ngăn họ tìm kiếm sự giúp đỡ” – ông Guterres lưu ý.

Báo cáo chỉ ra rằng người có vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng tử vong sớm hơn trung bình 10-20 năm so với dân số nói chung, chủ yếu do các bệnh thể chất có thể ngăn ngừa được.

Theo ông Guterres, nhóm người này có nguy cơ bị lạm dụng về thể chất và tinh thần, không được đi học và làm việc… Thiệt hại tài chính cũng cực kỳ lớn. Đơn cử, chỉ trầm cảm và lo lắng ước tính khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỉ USD/năm.

Người đến khám bệnh tại Bệnh viện SevenHills (Ấn Độ). Một nghiên cứu mới công bố cho thấy 8,2% bệnh nhân Covid-19 nhập viện tại đây từ tháng 5 đến tháng 12-2020 mắc bệnh tâm thần Ảnh: MID-DAY

Ông Guterres nhấn mạnh đại dịch Covid-19 làm gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần. Dù vậy, điều đáng nói là ở hầu hết quốc gia, sức khỏe tâm thần lại là lĩnh vực ít được quan tâm nhất trong chính sách y tế. Vì thế, theo ông Guterres, WMHR là lộ trình hướng dẫn các quốc gia cải thiện hệ thống sức khỏe tâm thần.

Trong khi đó, WHO kêu gọi tất cả các bên liên quan củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lập luận rằng sức khỏe tâm thần tốt sẽ dẫn đến sức khỏe thể chất tốt. Vì vậy, đầu tư vào sức khỏe tâm thần là đầu tư cho cuộc sống tốt đẹp và tương lai tươi sáng hơn cho mọi người.

 Theo WHO, toàn bộ thành viên tổ chức này đã đăng ký tham gia “Kế hoạch hành động toàn diện về sức khỏe tâm thần 2013-2030”, trong đó cam kết đạt được các mục tiêu toàn cầu nhằm cải thiện vấn đề sức khỏe tâm thần. 


Phạm Nghĩa