“Khoảng lặng” làm hành trang tuổi trẻ

Lưu Trương Vĩnh Trân tốt nghiệp Trường ĐH Alabama ở Huntsville – Mỹ cách đây không lâu. Chuyên ngành của chàng trai sinh năm 2000 là kinh tế học, chuyên ngành phụ là toán và công nghệ thông tin. Trái với suy nghĩ của nhiều người, thay vì tranh thủ học lên tiếp, Trân quyết định chọn “gap year” và quay về Việt Nam.

“Hướng nội” để tự hoàn thiện

Trân có bề dày thành tích đáng nể: Huy chương vàng quốc gia Olympic Toán – internet khi mới học lớp 5, huy chương vàng toán APMOPS – châu Á – Thái Bình Dương, huy chương bạc toán tiếng Anh – internet quốc gia và nhiều giải thưởng khác.

May mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống giáo dục tốt, Trân đi du học ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Hoàn tất bậc đại học, anh dự định học tiếp lên cao với ngành kinh tế phát triển (development economics) sau khi nhận được thư nhập học từ một số chương trình tại Mỹ.

Tuy nhiên, Trân lại hoãn việc học, bảo lưu kết quả 1 năm để về Việt Nam tham gia hợp tác nghiên cứu, làm trợ giảng. Với nhiều người, đó là quyết định gây ngạc nhiên song Trân đã suy nghĩ kỹ. Anh chọn “gap year” vì biết mình còn thiếu nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Vĩnh Trân chọn “gap year” để hoàn thiện mình hơn nữa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Lâu nay, “gap year” thường được hiểu là khoảng thời gian nghỉ phép của giới trẻ trước khi vào đại học hoặc sau khi tốt nghiệp đại học nhằm tích lũy kiến thức và trải nghiệm thực tế cuộc sống. Có người tham gia các hoạt động phát triển bản thân như làm tình nguyện viên, nghiên cứu; có người chọn đi du lịch, thực hiện dự án riêng để mở mang tầm nhìn.

“Gap year” còn có thể là giai đoạn sau đại học để chuẩn bị vào cao học. Với những thách thức ngày càng khó đoán trong xã hội sau đại dịch COVID-19, các học sinh, sinh viên và cả người đi làm lâu năm cũng phải thường xuyên làm mới bản thân và “gap year” có lẽ đã trở thành khoảng lặng dành để hài hòa những biến động nội tại của mỗi cá nhân.

“Mỗi người có con đường đi khác nhau, không nhất thiết phải đi theo đám đông mà cần hiểu chính mình, chú ý bồi dưỡng sức khỏe, trí tuệ mới là tài sản vô giá” – Nguyễn Thanh Thảo đã rút ra được điều mà mình cho là quan trọng nhất sau khoảng dài thời gian dành cho “gap year”.

 Thảo vừa quay lại giảng đường theo học chuyên ngành kinh tế và âm nhạc tại Trường ĐH American ở thủ đô Washington DC – Mỹ.

Khai phá giới hạn bản thân

Trước đó, Thảo đã có nhiều lần chọn “gap year” như du lịch khắp thế giới trong 9 tháng, đến thăm 10 quốc gia. Nhưng Thảo nhận ra làm như vậy chỉ có được các kỹ năng rời rạc và không bổ trợ một chuyên ngành cụ thể nào.

Thanh Thảo chọn “gap year” để hoàn thiện mình hơn nữa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Do từng theo học chương trình tú tài quốc tế kết hợp nhiều môn với cách thức giảng dạy tương đương bậc đại học nên Thảo quyết định chọn “gap year” để có định hướng nghề nghiệp tốt hơn.

Thảo thực tập tại một công ty đa ngành nghề với vị trí thông dịch viên, nhờ đó cô có cơ hội hỗ trợ nhiều bộ phận, quan sát nhiều lĩnh vực và cách thức các bộ phận kết nối nhau. Khi học hỏi các quản lý trong thời gian này, Thảo nhận ra khả năng tự học là cực kỳ quan trọng: Lúc nào các lãnh đạo công ty cũng tranh thủ đọc sách, nghe đài, tự quan sát và hướng dẫn lại cho nhân viên…

 “Khi đi làm, mình nên giữ tinh thần chủ động thực hiện tốt những gì được giao, luôn quan sát để hiểu quy trình chung, không chỉ học điểm tốt mà còn chú ý cả những điểm chưa hoàn thiện để tự rút kinh nghiệm” – Thảo bộc bạch.

Chính trong quá trình “gap year” lên đến 3 năm, Thảo tiếp xúc và phát triển đam mê với âm nhạc. Cô quyết tâm theo đuổi nghệ thuật dù gia đình ban đầu không ủng hộ.

Khi quay lại trường, Thảo cũng hơi áp lực khi đa phần bạn học đều trẻ tuổi hơn, song chính nhờ khoảng thời gian tạm nghỉ mà cách học của cô có tính thực tế cao hơn, biết mở rộng kết nối ngay khi học thay vì chỉ tập trung vào lý thuyết và điểm số.

Với Vĩnh Trân, khi mới đi du học, do thiếu kỹ năng xã hội và chưa có kinh nghiệm sống phong phú nên anh khó giao lưu cùng bạn bè. Đó cũng là một phần lý do khiến anh quyết định về Việt Nam trải nghiệm thêm sau khi tốt nghiệp đại học.

 Vĩnh Trân quan niệm thỉnh thoảng nên dừng lại để ngẫm nghĩ và không nên vội vàng khi chuẩn bị bước đi quan trọng cho tương lai. Anh tiết lộ 1 năm “gap year” có thể giúp anh định hình lại các ưu tiên của bản thân trong lúc chuyển tiếp giữa 2 môi trường học tập. 


YÊN VÂN (từ Washington DC – Mỹ)