Khẩu trang, đồ bảo hộ như “bụi vàng” ở thị trường Trung Quốc

Báo South China Morning Post cho biết trong những lần trao đổi với hơn một chục người sản xuất hoặc kinh doanh thiết bị y tế ở Trung Quốc xác nhận khó tiếp cận nguồn vải không dệt và polypropylene (nhựa PP) trong sản xuất khẩu trang y tế, đồ bảo hộ, hay nitrile để sản xuất găng tay, cũng như linh kiện cho máy thở và nhiệt kế.

Thị trường hỗn loạn

Một chủ cơ sở được đặt hàng cung cấp đồ bảo hộ y tế cho một số nước phương Tây phải hủy đơn hàng sau khi giá mỗi chiếc bộ đồ tăng từ 80 cent (1 USD = 100 cent) lên hơn 3 USD trong vài tuần. Chủ cơ sở này cho biết: “Hiện tại sử dụng vật liệu tương tự thay thế để sản xuất khẩu trang vì chúng rẻ hơn và dễ sản xuất hơn”.

South China Morning Post cho rằng sự thiếu hụt là điều dễ hiểu. Theo tiết lộ của quan chức hải quan hồi đầu tháng 4 rằng trong tháng 3, Trung Quốc đã xuất khẩu gần 4 tỉ khẩu trang, 37,5 triệu quần áo bảo hộ, 16.000 máy thở và gần 4 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19. Đây được cho là sản xuất quá mức từ các kho dự trữ.

Tuy nhiên một số người cho rằng sự thiếu hụt là một phần do những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm hạ nhiệt thị trường đang quá nóng và dẫn đến một loạt ồn ào truyền thông ở nước ngoài. Bắc Kinh thắt chặt các điều kiện xuất cảng khẩu trang từ đầu tháng này. 

Số lượng các nhà máy làm khẩu trang được Bắc Kinh chứng nhận (khoảng 20.000 cho đến nay) sẽ giảm 30% do tình trạng hàng giả hoặc chất lượng kém của khẩu trang. Các quốc gia bao gồm Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan cho biết khẩu trang và bộ dụng cụ xét nghiệm của Trung Quốc không đạt chuẩn.

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất khẩu trang ở Quảng Đông hồi giữa tháng 3. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong khi ở thị trường Trung Quốc đang đầy rẫy những kẻ lừa đảo và đầu cơ tung ra giấy chứng nhận và giấy phép xuất khẩu giả mạo. Hiện chỉ những doanh nghiệp được cấp phép mới có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu làm khẩu trang của các công ty nổi tiếng như PetroChina, Sinopec. Hầu hết các nhà sản xuất tư nhân đều phải tìm nguồn cung ứng riêng.

Vào ngày 24-2, Sinopec đã thiết lập 10 dây chuyền sản xuất vải không dệt có lớp lọc khuẩn, thêm 2 dây chuyền nữa vào ngày 6-3. Vào thời điểm đó, công ty đã sản xuất 18 tấn mỗi ngày, để sản xuất thành 3,6 triệu khẩu trang N95 hoặc 18 triệu khẩu trang y tế vào giữa tháng 4.

Giá cao, chất lượng thấp

David Sun, người mua bán khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) ở TP Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang) cho biết giá của vải không dệt trước khi dịch xảy ra khoảng 200.000 nhân dân tệ (2.825 USD)/tấn. Bây giờ, nếu công ty có thư giới thiệu của chính phủ thì được mua với giá dưới 28.300 USD/tấn. 

Thế nhưng nếu không có, giá thị trường có thể là 500.000 nhân dân tệ (70.700 USD)/tấn. Một thương nhân khác cho biết ông đã được báo giá 600.000 nhân dân tệ cho một tấn vải không dệt, tăng 2.900% so với giá trước đó.

Thị trường thiết bị y tế bùng nổ ở Trung Quốc dẫn đến sự khan hiếm nguyên liệu. Ảnh: Tân Hoa Xã

Những người không thể tiếp cận nguồn cung từ chính phủ buộc phải trả số tiền được đẩy lên một cách lạm phát để mua nguyên liệu từ các nhà sản xuất và người bán độc lập. Ngay cả có thể tiếp cận nhà cung cấp đáng tin cậy như một chủ cơ sở sản xuất khẩu trang họ Lưu ở Phúc Kiến, ông cho biết giá dao động khi xuất hiện tình trạng thiếu hụt, và phần vì nhà cung cấp địa phương găm hàng. 

Một số người bắt đầu tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu ở nước ngoài như Ukraine, Nga. “Nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc mua nguyên liệu thô đắt tiền nếu họ muốn tiếp tục sản xuất”- ông Lưu nói.

Không chỉ biến động giá cả, một nhà sản xuất vải không dệt trong khu công nghiệp ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, cho biết chuyện khan hiếm nguyên liệu dẫn đến việc hàng loạt sản phẩm không đạt tiêu chuẩn được tung ra thị trường. 

Một chuyên gia về nguồn cung tại Thượng Hải cho biết đã kiểm tra nhiều mẫu từ các lô hàng khẩu trang chuẩn bị xuất sang Anh và các nước châu Âu khác. Các loại khẩu trang này vốn phải có một lớp vải không dệt làm màng lọc, cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tuyến đầu.


H.Bình (Theo SCMP)