Giá USD “phá đỉnh” sau khi FED tăng lãi suất mạnh

Trong nỗ lực giảm lạm phát đang ở gần mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980, FED đã nâng lãi suất liên bang lên phạm vi 3% -3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008, sau lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm %.

Các nhà giao dịch lo ngại FED sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ cứng rắn trong thời gian dài hơn dự kiến. Các dự báo từ cuộc họp hôm 21-9 cho thấy FED sẽ ​​tăng lãi suất thêm ít nhất 1,25 điểm trong hai cuộc họp còn lại trong năm nay.

Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh Mỹ kiên quyết giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2%. Ảnh: AP

Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh sau cuộc họp rằng Mỹ kiên quyết giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2% và sẽ tiếp tục hành động cho đến khi hoàn thành mục tiêu. 

Theo kênh Al Jazeera, với việc tăng lãi suất thêm 0,75 điểm %, FED đã khiến cho hoạt động vay thế chấp hoặc vay mua ôtô hoặc kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn. Khi đó, người tiêu dùng và các doanh nghiệp được cho là sẽ đi vay và chi tiêu ít hơn, giảm tăng trưởng kinh tế và làm chậm lạm phát.

Các quan chức FED cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 và sẽ không giảm cho đến năm 2024. Các quan chức của FED cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm mạnh xuống mức 0,2% trong năm nay nhưng sẽ đạt mức 1,8% trong năm tới. Tỉ lệ thất nghiệp được dự báo cũng sẽ tăng lên 4,4% vào năm tới, từ mức 3,7% như hiện tại.

Lạm phát vào cuối năm nay được dự báo vẫn ở mức cao khoảng 5,4% trước khi giảm xuống gần mức bình thường vào năm tới. Theo đài CNBC, bản tóm tắt các dự báo kinh tế sau đó cho thấy lạm phát sẽ giảm trở lại mức mục tiêu 2% của FED vào năm 2025.

Ông Powell cùng với thống đốc các ngân hàng trung ương khác đã phát đi thông điệp rằng suy thoái kinh tế vẫn tốt hơn là lạm phát cao do những hệ lụy sau đó.

Các quan chức FED cho hay họ đang tìm cách “hạ cánh mềm”, theo đó sẽ tìm cách giảm tốc độ tăng trưởng đủ để kiềm chế lạm phát nhưng không quá nhiều để gây suy thoái.

Ngay sau quyết định tăng lãi suất của FED, các chỉ số chứng khoán chủ lực trên phố Wall lao dốc. Kết thúc phiên giao dịch hôm 21-9 chỉ số Dow Jones giảm 1,7%, S&P 500 giảm 1,71% và Nasdaq Composite giảm 1,79%.

Trong khi đó, chỉ số giá đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ chạm mức 111,63 sau khi FED tăng lãi suất. Giá đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm chạm mức 1 euro đổi được 0,9810 USD.


Xuân Mai