Gazprom: Khí đốt Nga vẫn chảy qua Ukraine bình thường

“Gazprom cung cấp khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine một cách thường xuyên, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu, đạt 71,7 triệu m3/ngày tính đến ngày 30-4” – đài Sputnik ngày 30-4 dẫn tuyên bố của Gazprom.

Theo hợp đồng của Gazprom, lượng khí đốt vận chuyển sang Ukraine trong năm nay lên tới 40 tỉ m3, tương đương khoảng 109,6 triệu m3/ngày. Kể từ cuối tháng 2, hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine gần đạt mức này và chỉ giảm nhẹ trong vài ngày hồi giữa tháng 3.

Gazprom: Khí đốt Nga vẫn chảy qua Ukraine. Ảnh: AP

Trong khi đó, báo The New York Times hôm 29-4 dẫn lời các quan chức giấu tên ở Brussels – Bỉ tiết lộ Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị cấm tất cả hoạt động nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào tuần tới. Đại sứ của 27 quốc gia thành viên EU dự kiến nhóm họp trong ngày 4-5 để phê duyệt lệnh cầm vừa nêu.

Các quan chức ở Brussels cho biết trừ khi Hungary đưa ra yêu cầu vào phút chót, lệnh cấm sẽ được thông qua mà không cần kêu gọi tất cả lãnh đạo EU nhóm họp.

Lệnh cấm dầu mỏ có thể tiến hành theo từng giai đoạn, qua đó chặn các tàu chở dầu và cho các thành viên EU thời gian để cắt giảm những hợp đồng hiện tại. Biện pháp này tương tự động thái gia hạn 4 tháng đối với lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga được công bố trước đó. 

Gói trừng phạt thứ sáu này của EU cũng sẽ nhắm vào Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga đang có sự hiện diện đáng kể ở châu Âu cùng với các nhân vật Nga “có uy tín”, theo nguồn tin của The New York Times.

Đài RT nhận định Đức được xem là “chìa khoá” trong lệnh cấm kể trên. Trước đây, khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Đức đến từ Nga nhưng có thể cắt giảm xuống chỉ còn 12%, theo Bộ trưởng Năng lượng Robert Habeck.

“Đức đã tiến rất gần đến việc tách khỏi hoạt động nhập khẩu dầu của Nga” – Bộ trưởng Habeck nói với các phóng viên khi đến thăm Ba Lan đầu tuần này. 

Moscow cung cấp khoảng 25% tổng nhu cầu dầu hằng năm của EU vào năm 2020. Khối này chiếm một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga. Brussels dự định tăng nhập khẩu dầu từ Nigeria, các nhà xuất khẩu ở Vịnh Ba Tư cũng như các nước láng giềng của Nga là Azerbaijan và Kazakhstan, theo lời một số quan chức giấu tên nói với The Times.

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đề nghị EU áp đặt trần giá hoặc thuế quan đối với dầu nhập khẩu của Nga song Brussels không tỏ ra “mặn mà” với đề nghị đó.


Phạm Nghĩa