Đức tiết lộ yêu cầu không ngờ từ Trung Quốc

Hãng tin Reuters đưa tin trước đó thành viên Đảng Xanh Margarete Bause đã hỏi chính phủ Đức về việc các nhà ngoại giao Trung Quốc có liên lạc cho quan chức Đức để tìm cách lấy lời khen không. 

Bộ Nội vụ Đức viết trong thư phản hồi bà Bause ngày 22-4 rằng: “Chính phủ Đức biết các nhà ngoại giao Trung Quốc đã liên lạc với mục tiêu tìm kiếm lời khen công khai về vấn đề xử lý dịch Covid-19 của nước này. Chính phủ liên bang vẫn chưa làm theo những yêu cầu này”.

Trong bức thư, bộ nội vụ cho biết chính phủ Đức đã thừa nhận nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn chặn đại dịch, đặc biệt là từ ngày 23-1. Ngoài ra, Berlin còn nói với chính phủ Trung Quốc họ tin sự minh bạch là điều quan trọng để chống dịch mà không nhận xét rằng Bắc Kinh đã minh bạch hay chưa.

Sự việc này được tờ Welt am Sonntag của Đức tiết lộ đầu tiên. Tờ báo này dẫn lời đại sứ quán Trung Quốc ở Berlin rằng thông tin trên là không chính xác và vô trách nhiệm. Tuy nhiên, khi hãng tin Reuters yêu cầu đưa ra bình luận, cơ quan này lại không phản hồi.

Trung Quốc muốn được khen ngợi về cách xử lý dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Vào ngày 24-4, sau khi nhận thông tin từ 4 nguồn tin và thư ngoại giao, Reuters cho biết Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn một báo cáo của Liên minh châu Âu về việc Bắc Kinh lan truyền thông tin sai lệch về sự bùng phát dịch Covid-19. Vấn đề này cũng là tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc khi quan chức hai bên đều cáo buộc đối phương che giấu thông tin.

Trong một diễn biến khác, tờ South China Morning Post cho rằng Trung Quốc muốn dẫn đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 bằng cách gửi các thiết bị y tế và chuyên gia đến nhiều nước để giúp đỡ.

Nhưng giáo sư Daniel Lynch của khoa Châu Á và Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường Đại học Thành phố Hồng Kông (CityU), nhận định rằng động cơ của Trung Quốc không hoàn toàn xuất phát từ sự hào hiệp. “Nếu Trung Quốc không giúp các nước khác ngăn chặn đại dịch, nó sẽ quay lại Trung Quốc một lần nữa” – trích lời ông Lynch. Được biết, một nửa các nước mà Trung Quốc gửi chuyên gia y tế đến đều là đối tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Bà Francoise Nicolas, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp ở thủ đô Paris, nói dù Trung Quốc muốn được nhìn nhận là một cường quốc có trách nhiệm, việc gửi viện trợ sẽ không thay đổi cách nhìn của thế giới đối với họ. “Họ đang cố gắng làm thế giới quên đi sai lầm lớn ban đầu về việc che giấu sự bùng phát” – bà Nicolas nhận xét.

Ông Nicholas Thomas, một giáo sư khác của CityU, cho rằng nếu Bắc Kinh muốn được xem là người dẫn đầu thế giới về vấn đề y tế, họ phải cho thấy sự minh bạch nhiều hơn. 


Bảo Hạnh (Theo Straits Times)