Điềm bất lành cho năm mới

Tăng trưởng kinh tế chung của Mỹ Latin đã bắt đầu phục hồi nhưng mức độ vẫn còn thấp cho dù dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát và khu vực này không bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp bởi xung đột giữa Nga – Ukraine.

 Bất an và bất ổn ở nhiều nơi là gam màu chủ đạo trong bức tranh chung về Mỹ Latin.

Ngay trong những ngày đầu năm 2023, hỗn loạn bạo lực ở Brazil, sôi động chính trị – xã hội ở Bolivia và biểu tình ở Peru đã làm cho mức độ quan ngại chung của thế giới về chiều hướng biến động tình hình chính trị, an ninh và ổn định xã hội ở khu vực này vốn đã bất ổn sâu sắc trong năm 2022 nay còn tăng thêm.

Cuộc tấn công vào thể chế dân chủ ở Brazil, rối loạn xã hội ở Bolivia, chuyện tranh giành quyền lực ở Peru và xung đột vũ trang nội bộ chưa hẳn đã kết thúc tại Colombia cũng như triển vọng bất định của các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong năm 2023 ở Argentina, Paraguay, Guantemala là những diễn biến chính khiến mối quan ngại ấy có cơ sở xác thực.

Lực lượng an ninh canh gác bên ngoài Dinh Planalto (dinh tổng thống Brazil) hôm 11-1 Ảnh: REUTERS

Có 3 nguyên do lý giải thực trạng và triển vọng nói trên.

Thứ nhất, ở rất nhiều quốc gia trong khu vực Mỹ Latin, sự phân hóa trên chính trường và phân rẽ trong nội bộ xã hội đều rất trầm trọng hoặc rất sâu sắc.

Các đảng phái chính trị và các phe cánh trong xã hội không hợp tác với nhau mà đối kháng rất quyết liệt, thậm chí không khoan nhượng – như có thể thấy được rõ nét nhất ở Brazil, Peru và Bolivia.

Thông thường, một khi nội bộ chính trường và xã hội trong tình trạng như thế thì mất ổn định chính trị và an ninh xã hội, tăng trưởng kinh tế trì trệ và sa sút thịnh vượng của đất nước luôn là hệ lụy không thể tránh khỏi.

Bạo lực và hỗn loạn chính trị, xã hội sẽ bùng phát, có thể dễ dàng vượt ra ngoài tầm kiểm soát, chế ngự của các thể chế quyền lực nhà nước đại diện và thực thi nhà nước pháp quyền. Khi ấy, mọi chuẩn mực của nền dân chủ bị bất chấp và mọi chế tài của nhà nước dân chủ bị vô hiệu hóa.

Chiều hướng cực đoan hóa trên chính trường và trong nội bộ xã hội sẽ gia tăng, làm cho sự phân hóa nói trên thêm nghiêm trọng và càng thêm khó khắc phục.

Thứ hai, phe cầm quyền ở nhiều nơi trong khu vực chưa có được đường lối, chính sách cầm quyền thích hợp để đưa các quốc gia này thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn nói trên, giúp giải quyết được tận gốc rễ và dứt điểm các vấn đề cấp thiết dai dẳng lâu nay.

Vì không khắc phục được tình trạng phân hóa trầm trọng trên chính trường và trong nội bộ xã hội mới thường xuyên thay đổi chính phủ, chuyển từ thái cực chính trị này sang thái cực chính trị khác ở nhiều nơi trong khu vực.

Ở nơi đây, đất nước không phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội thì không thể có được ổn định chính trị và an ninh xã hội. Điều này lý giải vì sao ở khu vực Mỹ Latin xảy ra thường xuyên nhất việc cá nhân hay phe cầm quyền bị lật đổ hoặc phế truất.

Thứ ba, không phải nơi nào cũng như nhau nhưng nơi nào cũng đều thấy có ảnh hưởng từ bên ngoài. Nhiều đối tác bên ngoài tăng cường cạnh tranh chiến lược ở khu vực, tác động trực tiếp đến thực trạng và triển vọng ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế và an ninh xã hội ở các nơi trong khu vực.

Tòa án Tối cao Brazil hôm 13-1 đồng ý mở cuộc điều tra cựu Tổng thống Jair Bolsonaro vì bị cáo buộc khuyến khích các cuộc biểu tình chống dân chủ, dẫn đến việc những người ủng hộ ông xông vào các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Brasilia. Văn phòng công tố viên Brazil cho biết ông Bolsonaro, hiện ở Mỹ, sẽ bị các công tố viên điều tra cáo buộc xúi giục và “đứng sau” của hành vi phản dân chủ, dẫn đến hành động phá hoại và bạo loạn hôm 8-1.


Ngải Sa