Đẩy mạnh nỗ lực cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Trong chuyến thị sát vùng thảm họa hôm 9-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thừa nhận chính phủ không phản ứng kịp khi thảm họa mới xảy ra do thiếu thốn về nhân lực.

Việc thiếu lực lượng cứu hộ giải cứu người bị mắc kẹt vẫn được phóng viên Reuters, AP ghi nhận. “Chúng tôi cố gắng tự dọn dẹp đống đổ nát nhưng chỉ có sức của chúng tôi thì không đủ” – bà Serap Arslan, người dân ở TP Antakya, nói với AP và cho biết mẹ, anh trai bà cùng nhiều hàng xóm vẫn đang ở dưới đống đổ nát gần đó, đến hôm 9-2 mới bắt đầu có máy móc đến di chuyển các khối bê-tông nặng.

Một trong các khu vực bị động đất tàn phá ở “tâm chấn” Kahramanmara – Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9-2 Ảnh: REUTERS

Còn tại cửa khẩu biên giới Bab Al-Hawa của Syria, tình nguyện viên y tế Obaida Rannoush nói với đài Al Jazeera: “Hơn 60 giờ sau khi động đất xảy ra, vẫn còn hàng trăm người bên dưới đống đổ nát. Chúng tôi không thể giải cứu họ với nguồn lực ít ỏi. Chúng tôi cần máy móc hạng nặng, viện trợ nhân đạo và y tế”.

Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc cũng thừa nhận nước này thiếu năng lực và trang thiết bị đối phó với thảm họa, một phần do cuộc nội chiến kéo dài hơn 10 năm cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ngoài các đội tìm kiếm cứu nạn mà nhiều quốc gia đã gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết có 77 đội cấp cứu quốc gia và 13 đội cấp cứu quốc tế đang được triển khai tới cả 2 quốc gia, gồm những người được đào tạo đặc biệt để ứng phó tình huống khẩn cấp.

 WHO cũng giải ngân 3 triệu USD từ quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp. Một chuyến bay từ Dubai – Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8-2, một chuyến khác đến Damacus – Syria và một chuyến thứ ba sắp cất cánh, tất cả đều mang theo nhiều vật tư y tế và dụng cụ phẫu thuật. 


Anh Thư