Dấu mốc hàm chứa thông điệp

Ngày 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phát biểu trước Duma Quốc gia (Hạ viện) trong sự kiện được gọi là trình bày Thông điệp thường niên về tình hình đất nước.

Lần trình bày thứ 18 này có lẽ đặc biệt nhất và quan trọng nhất đối với ông Putin bởi sự kiện diễn ra lần đầu tiên kể từ khi bùng phát xung đột Nga – Ukraine ngày 24-2-2022. Vì cuộc chiến này mà năm ngoái, ông Putin không trình bày thông điệp về tình hình đất nước như thông lệ.

Ngoài một năm ngày bắt đầu cuộc xung đột trên, tháng 2 năm nay còn có 2 dấu mốc lịch sử khác của Nga là kỷ niệm 80 năm ngày Liên Xô chiến thắng quân đội phát xít Đức ở TP Stalingrad (Volograd ngày nay) và một năm ngày nước Nga công nhận 2 nhà nước cộng hòa tự xưng ở vùng Luhansk và Donezk tại miền Đông Ukraine là quốc gia độc lập (21-2-2022).

Từ đó có thể thấy việc nước Nga long trọng kỷ niệm 80 năm ngày chiến thắng Stalingrad và việc lựa chọn ngày 21-2 làm thời điểm ông Putin trình bày thông điệp về tình hình đất nước đều có liên quan đến và phục vụ cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga) qua cầu truyền hình hôm 17-2Ảnh: Reuters

Cả 3 dấu mốc lịch sử này đều hàm chứa những thông điệp mà ông Putin muốn gửi tới người dân trong nước và chuyển đến thế giới bên ngoài nước Nga.

Kỷ niệm chiến thắng Stalingrad, đặc biệt là việc ông Putin quả quyết rằng nước Nga hiện lại bị xe tăng Đức đe dọa – với ẩn ý chính phủ Đức và đồng minh trong NATO quyết định cung cấp xe tăng chiến đấu cho Ukraine – hàm chứa thông điệp quan điểm của nhà lãnh đạo này về nhiều vấn đề.

Đó là việc Nga cần phải tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bản chất cuộc chiến này và quyết tâm của Nga giành chiến thắng cuối cùng ở Ukraine cũng như kiên định đối đầu Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), NATO và đồng minh đến cùng trong thời gian tới.

Dịp một năm ngày nước Nga chính thức công nhận 2 vùng ly khai ở Ukraine làm nhà nước độc lập được chọn làm thời điểm trình bày thông điệp mang ẩn ý của ông Putin xem việc Moscow hiện kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ của Ukraine là một trong những kết quả nổi bật và quan trọng nhất của chiến dịch quân sự đặc biệt.

Người ta chỉ có thể hiểu ở đây là ông Putin sẽ không nhượng bộ trên phương diện lãnh thổ này. Vì thế, triển vọng về giải pháp chính trị hòa bình cho xung đột hiện rất mờ mịt khi phía Nga không xem các vùng lãnh thổ này là nội dung đàm phán hòa bình với Ukraine trong khi Kiev cũng kiên quyết không từ bỏ chúng.

Hai dấu mốc đầu đã bao hàm những gì ông Putin muốn đề cập liên quan cuộc xung đột Nga – Ukraine trong thời gian qua cũng như cho thời gian tới nên thông điệp ngày 21-2 sẽ tập trung chủ yếu vào các chủ đề đối nội.

Chính sách kinh tế – xã hội, các biện pháp ứng phó tình trạng nước Nga bị phương Tây bao vây, cấm vận và trừng phạt sẽ được đặt vào tâm điểm của bài trình bày. Nội dung cụ thể của nó nhiều khả năng không mới mẻ, càng không bao hàm quyết sách lớn mới nào đấy nữa của ông Putin. Nhưng ngôn từ và tông điệu được ông Putin dùng để thể hiện chúng sẽ rất tự tin và lạc quan.

Bất ngờ luôn không thể bị loại trừ. Điều chắc chắn duy nhất là cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ còn dai dẳng. 

Dự báo của ông Putin về khí đốt

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17-2 dự báo khí đốt sẽ tiếp tục là nguồn tài nguyên quý giá khi nhu cầu trên toàn cầu ở mức cao trong nhiều năm tới. Phát biểu qua cầu truyền hình tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga), ông Putin chỉ ra mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong 30 năm qua và dự kiến tăng ít nhất 20% trong 20 năm tới.

Gazprom hiện nắm giữ khoảng 15% trữ lượng khí đốt toàn cầu và có khoảng 490.000 lao động, được xem là một trong những công ty quyền lực nhất nước. Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phương Tây đã tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga, cũng như giảm nguồn thu ngân sách của Moscow. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định Gazprom sẽ phát triển mạnh mẽ bất chấp nỗ lực trên của phương Tây, nhất là khi nhu cầu khí đốt ở châu Á sẽ tăng lên.

“Trong cái gọi là giai đoạn chuyển tiếp, nhu cầu sẽ rất lớn và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng trưởng này…” – ông Putin nhấn mạnh. Theo đài RT (Nga), nhà lãnh đạo này cũng nhận định sự phát triển hơn nữa của tổ hợp công nghiệp khí đốt quy mô lớn được thành lập ở phía Đông nước Nga có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với nước này. Đề cập đến Gazprom, ông Putin nhận định trữ lượng năng lượng đã thăm dò của công ty này là rất lớn khi nhắc đến 2 mỏ khí đốt Bovanenkovskoye (trữ lượng 4.900 tỉ m3 ) và Kharasaveyskoye (trữ lượng khoảng 2.000 tỉ m3).

Xuân Mai


Ngải Sa