Đằng sau động thái cứng rắn của vua Tây Ban Nha với cha

Vua Felipe VI cũng thông báo quyết định từ bỏ quyền lợi đối với bất kỳ cổ phiếu đầu tư hoặc công cụ tài chính nào không phù hợp với luật pháp hoặc các tiêu chuẩn trung thực và liêm chính.

Vua Juan Carlos thoái vị vào năm 2014 giữa một loạt các vụ bê bối. Thái tử Felipe lên ngôi vua với cam kết cải thiện tính minh bạch của hoàng gia trong bối cảnh người dân Tây Ban Nha ngày càng thất vọng với chi phí quá cao của hoàng gia.

Vì thế, tuyên bố hôm 15-3 nói trên là một nỗ lực của Vua Felipe VI để giữ hoàng gia tránh xa các cáo buộc của truyền thông châu Âu. Cụ thể, hoàng gia Tây Ban Nha được hưởng lợi từ hai quỹ tài chính liên quan đến cựu quốc vương Juan Carlos.

Cũng theo tuyên bố trên, cựu vương Juan Carlos sẽ không còn nhận được khoản trợ cấp hàng năm từ ngân sách hoàng gia.

Vua Felipe VI và Cựu vương Juan Carlos. Ảnh: DPA

Nhà vua Juan Carlos đã chấm dứt triều đại 39 năm của mình trong bối cảnh hoàng gia đối mặt một loạt cáo buộc tham nhũng và chi tiêu hoang phí.

Vào năm 2012, uy tín của cựu vương này trúng đòn mạnh khi ông đi săn voi ở châu Phi giữa lúc đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Đối mặt sức ép sau một loạt vụ bê bối, ông rút khỏi mọi hoạt động công khai vào tháng 6-2019.

Một số người Tây Ban Nha đã kêu gọi bãi bỏ chế độ quân chủ, thay vào đó ủng hộ việc thành lập một nước cộng hòa.

Chính khách Carlos Sanchez Mato của đảng United Left nhận định Vua Felipe VI vẫn chưa hoàn toàn tách khỏi cựu vương Juan Carlos.

“Vua Felipe VI vẫn không từ bỏ toàn bộ tài sản thừa kế của mình” – ông Mato nhận định, trong đó có vị trí nguyên thủ quốc gia và “hàng triệu euro trong các quỹ mờ ám trên thế giới”. Ông Mato nhấn mạnh Vua Felipe VI nên từ bỏ tất cả những gì cha mình để lại và “làm điều đó càng sớm càng tốt”.

Tuy nhiên, đảng Vox cực hữu đã lên tiếng ủng hộ nhà vua khi đánh giá động thái của ông là hành vi mẫu mực.

Sự phẫn nộ của công chúng ngày càng tăng ở Tây Ban Nha đối với chi phí sinh hoạt của hoàng gia ngay cả khi con số này thua kém nhiều hoàng gia khác ở châu Âu.

Trong số 10 hoàng gia lớn ở châu Âu, 9 hoàng gia vẫn nhận tiền từ ngân sách công.

Đáng chú ý, hoàng gia Tây Ban Nha có ngân sách thấp thứ 3 trong số 10 hoàng gia nói trên với khoảng 9 triệu USD/năm. Con số này kém xa mức 107 triệu USD của hoàng gia Anh hoặc 54 triệu USD của hoàng gia Monaco.


Gia Minh (Theo CNN)