Dân công sở Đông Nam Á “sợ” nghỉ phép

Theo nghiên cứu được Công ty Milieu Insight (Singapore) tiến hành với sự tham gia của 6.000 lao động trên khắp Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines, 71% người được khảo sát khẳng định họ tiếp tục làm việc kể cả khi gặp vấn đề về sức khỏe thể chất. Tỉ lệ này ở nhóm tiếp tục vùi đầu vào công việc bất chấp vấn đề sức khỏe tinh thần là 65%.

Những con số biết nói

Nguyên nhân chủ yếu là họ cảm thấy “có quá nhiều việc phải làm” (51%), “có lỗi khi bỏ dở công việc” (36%) và “lo lắng về việc bỏ lỡ những cơ hội hoặc quyết định quan trọng (trong thời gian nghỉ)” (31%). Tại Indonesia, hơn 50% người được khảo sát thừa nhận họ không dám sử dụng ngày phép kể cả khi cảm thấy bất ổn về thể chất (59%) và tinh thần (53%). Tỉ lệ này vẫn còn khá thấp nếu so với những quốc gia láng giềng như Philippines (71% và 66%) và Việt Nam (69% và 64%).

Những con số nêu trên dù cao nhưng không khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên, nhất là khi gần 50% người được khảo sát khẳng định công ty của họ xem số ngày phép còn lại trong năm là một trong những yếu tố đánh giá hiệu suất công việc.

Văn hóa công ty nêu trên được 56% nhân viên trong khu vực chấp nhận và chỉ 44% muốn thay đổi. Xét riêng từng nước, Indonesia là quốc gia có tỉ lệ chấp nhận cao nhất (67%), tiếp đến là Việt Nam (62%) và Malaysia (61%). Singapore là nơi có tỉ lệ lao động muốn thay đổi cao nhất, khi chỉ 34% chấp nhận văn hóa nói trên.

Tại Đông Nam Á, Philippines là quốc gia có tỉ lệ lao động kiệt sức vì công việc cao nhất trong năm 2021. Ảnh: REUTERS

Về vấn đề quay lại công sở sau thời gian nghỉ bệnh, trong khi 48% nói họ trở lại khi “bệnh gần khỏi nhưng vẫn còn hơi mệt”, chưa đến 30% khẳng định chỉ trở lại khi “bệnh đã khỏi hoàn toàn”.

Đáng chú ý là Tổ chức Y tế thế giới năm 2019 đưa kiệt sức vào danh sách Phân loại quốc tế về các chứng bệnh (ICD) – vốn là cơ sở để chẩn đoán và hỗ trợ bảo hiểm y tế. Kiệt sức là hậu quả của căng thẳng liên quan đến công việc khiến người lao động kiệt quệ, sụt giảm động lực và năng suất lao động.

Nhiều hệ lụy nghiêm trọng

Trong báo cáo mới nhất về “Thực trạng công sở toàn cầu”, Công ty Gallup (Mỹ) kết luận “căng thẳng ở người lao động trên toàn thế giới tiếp tục chạm ngưỡng kỷ lục”.

Được tiến hành với sự tham gia của 68.000 người trên hơn 140 quốc gia, khảo sát cho biết trong năm 2021, tỉ lệ nhân viên gặp “nhiều căng thẳng ở ngày làm việc trước đó” là 44%, cao hơn so với 43% của năm 2020, 38% của năm 2019, 37% của năm 2018 và 29% của năm 2017.

Ở Đông Nam Á, Philippines là quốc gia có tỉ lệ lao động kiệt sức cao nhất trong năm 2021 (50%), tiếp đến là Thái Lan (41%), Campuchia (38%), Myanmar (37%) và Việt Nam (37%).

Kiệt sức vì làm việc gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn, tại Mỹ, tình trạng nhân viên kiệt quệ mỗi năm ước tính ngốn từ 125 – 190 tỉ USD chi phí chăm sóc sức khỏe, theo nghiên cứu được Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ) công bố năm 2020. Báo cáo cho biết chi phí điều trị căng thẳng chiếm 8% chi tiêu quốc gia dành cho chăm sóc sức khỏe. Căng thẳng cũng là lý do nghỉ việc của 20%-50% lao động trong một tổ chức.

Nhân viên văn phòng Singapore đeo khẩu trang băng qua đường trong giờ nghỉ trưa hồi tháng 5-2021 Ảnh: REUTERS

Để duy trì lợi thế cạnh tranh, theo giới chuyên gia, các công ty cần triển khai những phương án giảm stress cho nhân viên để bảo đảm năng suất lao động không bị ảnh hưởng, cũng như để tránh trường hợp nhân viên lũ lượt ra đi vì quá tải.

Theo trang The ASEAN Post, Đông Nam Á có thể tìm kiếm động lực từ Pháp, quốc gia ban hành luật vào năm 2017 để bảo đảm người lao động được nghỉ ngơi đúng nghĩa vào dịp cuối tuần, trong thời gian nghỉ phép và sau giờ làm. Nói cách khác, chủ lao động không được phép yêu cầu nhân viên trả lời e-mail hay tương tác công việc trong thời gian nghỉ ngơi của họ. 

Xu hướng chưa từng có ở Mỹ

Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2022, thị trường lao động Mỹ mỗi tháng chứng kiến hơn 4 triệu lao động nghỉ việc và theo nghiên cứu vừa được Công ty McKinsey (Mỹ) công bố, xu hướng chưa từng có này sẽ tiếp diễn trong những tháng tới.

Với sự tham gia của hơn 13.000 người trên khắp thế giới, khảo sát được tiến hành từ tháng 2 đến tháng 4 còn cho biết khoảng 40% lao động đang xem xét rời bỏ công việc hiện tại trong 3-6 tháng tới. “Đây không chỉ là một xu hướng tạm thời hay một xu hướng liên quan đến đại dịch Covid-19. Quan điểm nghề nghiệp cũng như ưu tiên cuộc sống của người lao động đã thay đổi so với năm 2019 trở về trước” – bà Bonnie Dowling, một trong những tác giả của báo cáo, chia sẻ với đài CNBC.

Khoảng 48% lao động nghỉ việc để theo đuổi cơ hội nghề nghiệp ở những lĩnh vực khác, chủ yếu vì kiệt quệ do dịch Covid-19 và mong muốn một công việc có thu nhập tốt hơn. Trong số những người đã nghỉ và chưa tìm được việc mới, 47% quyết định quay lại thị trường lao động nhưng chỉ 29% trong số này chọn công việc truyền thống, toàn thời gian; 18% chọn việc làm bán thời gian hoặc khởi nghiệp.

Phần lớn xu hướng trên xảy ra do những thay đổi liên quan đến quan niệm nghỉ việc trong 18 tháng qua. “Suốt một thời gian dài, chúng ta không nghỉ việc trừ khi đã kiếm được việc mới. Nhưng giờ đây, người lao động tin rằng họ sẽ luôn tìm được một công việc nào đó” – bà Dowling giải thích.


CAO LỰC