Cựu nhân viên Apple trộm công nghệ sang Trung Quốc

5 trường hợp được trình bày chi tiết tại một cuộc họp báo của Bộ Tư pháp, tập trung vào các cáo buộc liên quan đến hành vi trộm cắp bí mật thương mại và công nghệ khác. Hai trong số các trường hợp liên quan đến cái mà các quan chức Mỹ gọi là “mạng lưới mua sắm” được tạo ra để giúp quân đội và các cơ quan tình báo của Nga có được công nghệ nhạy cảm.

5 trường hợp được công bố lần đầu tiên bởi một “lực lượng trấn áp” của Mỹ được thành lập vào tháng 2 trong nỗ lực bảo vệ các công nghệ nhạy cảm dù các cuộc điều tra đã bắt đầu từ trước đó.

An ninh đứng gác tại trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ. Ảnh: Reuters

Ông Matt Olsen, người đứng đầu Bộ phận An ninh Quốc gia của Bộ Tư pháp, nói rằng: “Chúng tôi thận trọng trong việc thực thi luật pháp Mỹ để ngăn chặn công nghệ nhạy cảm đến tay các đối thủ nước ngoài”.

Cựu kỹ sư của Apple, được xác định là Weibao Wang, 35 tuổi, trước đây cư trú tại Mountain View, bang California và được Apple thuê vào năm 2016, theo một bản cáo trạng hồi tháng 4 được tiết lộ hôm 16-5.

Vào năm 2017, người này đã nhận một công việc của một công ty Trung Quốc có trụ sở ở Mỹ về phát triển ô tô tự lái trước khi từ chức tại Apple nhưng phải mất đến khoảng 4 tháng mới thông báo cho Apple về công việc mới.

Bộ Tư pháp cho biết sau ngày làm việc cuối cùng tại Apple, công ty phát hiện rằng Wang đã truy cập một lượng lớn dữ liệu độc quyền trong vài ngày trước khi rời đi. Các đặc vụ liên bang đã lục soát nhà của Wang vào tháng 6-2018 và tìm thấy số lượng lớn dữ liệu từ Apple. Bộ Tư pháp cho biết ngay sau khi bị khám xét, Wang đã lên máy bay đến Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các công tố viên ở New York đã công bố các cáo buộc đối với Xiangjiang Qiao, còn được gọi là Joe Hansen, 39 tuổi, về việc sử dụng một công ty Trung Quốc vốn là mục tiêu trừng phạt của Mỹ để cung cấp vật liệu dùng sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt cho Iran. Các công dân Nga Oleg Sergeyevich Patsulya và Vasilii Sergeyevich Besedin cũng bị cáo buộc tội sử dụng công ty của họ có trụ sở tại Florida để gửi các bộ phận máy bay cho các công ty hàng không Nga.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, Điện Kremlin hôm 16-5 cho biết các cơ quan của họ đang theo dõi hoạt động gián điệp của phương Tây sau khi đoạn video được cho là do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ công bố khuyến khích người Nga liên lạc qua một kênh internet an toàn. Đoạn video ngắn bằng tiếng Nga kèm theo một đoạn văn bản cho rằng cơ quan này muốn nghe thông tin về nền kinh tế và lãnh đạo của Nga từ các sĩ quan quân đội, chuyên gia tình báo, nhà ngoại giao, nhà khoa học và những người thạo tin.

Văn bản đi kèm cho biết việc liên lạc có thể diễn ra an toàn thông qua Tor, một hệ thống liên lạc trực tuyến ẩn danh. Nó dẫn người xem đến một video khác hướng dẫn cách sử dụng Tor. Tuy nhiên, một số người Nga đã phản ứng hoài nghi về đoạn video trên mạng xã hội khi cho rằng nó giống “sự khiêu khích” của Tổng cục An ninh Liên bang Nga.


Xuân Mai