COVID-19: Hạ cấp quản lý có chiến lược

Theo Japan Times, Nhật Bản chính thức bước vào “giai đoạn hậu đại dịch” từ ngày 8-5 với việc hạ cấp quản lý COVID-19 xuống ngang bằng với cúm mùa. Các quy định về khẩu trang, kiểm dịch biên giới đã được dỡ bỏ trước đó và bước sang ngày 8-5 là một loạt quy định y tế khác.

Ví dụ, Bộ Y tế Nhật Bản chỉ khuyến nghị cách ly với người có triệu chứng thay vì cách ly có tính chất pháp lý với người nghi nhiễm hoặc tiếp xúc; các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm khác phụ thuộc nhiều hơn vào quyết định của từng cá nhân và cơ quan, doanh nghiệp.

Bộ Giáo dục Nhật Bản đã ban hành quy định riêng cho trường học, trong đó yêu cầu trẻ có triệu chứng ở nhà ít nhất 5 ngày. Thay vì được xét nghiệm, điều trị miễn phí ở một số cơ sở được chỉ định, bệnh nhân COVID-19 sẽ dùng bảo hiểm y tế và có thể đến nhiều bệnh viện, phòng khám hơn.

Hành khách chờ lên máy bay tại sân bay quốc tế Tokyo ở thủ đô Tokyo – Nhật Bản hôm 29-4 Ảnh: REUTERS

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng quyết định ngừng báo cáo hoặc theo dõi dữ liệu ca bệnh, tốc độ lây truyền của COVID-19 trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 8-5, trong bối cảnh nước này ấn định ngày hạ cấp quản lý COVID-19 là 11-5, theo Reuters.

Sự lây lan của virus sẽ chủ yếu được giám sát thông qua dữ liệu nhập viện, được yêu cầu duy trì đến ngày 30-4-2024 trong khi số ca tử vong được thống kê dựa trên giấy chứng tử. Nhìn chung, giám sát COVID-19 tại Mỹ sẽ được đưa vào một chiến lược tích hợp rộng hơn.

Trả lời trực tuyến hôm 6-5, Giám đốc Các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết: “Tình trạng khẩn cấp yêu cầu phải có một phản ứng chung cấp tính, từ việc chăm sóc lâm sàng đến phát triển vắc-xin, thuốc kháng virus. Giai đoạn đó đã kết thúc và chúng ta cần chuyển sang một phản ứng bền vững hơn vì COVID-19 vẫn chưa kết thúc, không thể bị loại bỏ”.

Theo ông Mike Ryan, chiến lược cho giai đoạn mới cần tập trung vào nhóm dân số dễ bị tổn thương, dễ mắc bệnh nghiêm trọng; bảo đảm người bệnh được chăm sóc y tế sớm, tiếp cận được thuốc và có lộ trình chăm sóc lâm sàng vững chắc, vì COVID-19 vẫn có thể trở thành tình huống khẩn cấp trong các hệ thống riêng lẻ.

Ủy ban Khẩn cấp về các quy định y tế quốc tế (IHR) COVID-19 trong kỳ họp sau cùng, ngoài việc khuyến nghị tổng giám đốc WHO tuyên bố chấm dứt PHEIC (tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế) đối với COVID-19 còn đưa ra 7 khuyến nghị tạm thời cho các quốc gia thành viên.

Thứ nhất, duy trì năng lực quản lý dịch bệnh đã đạt được và chuẩn bị cho các sự kiện tương tự trong tương lai.

Thứ hai, lồng ghép vắc-xin COVID-19 vào các chương trình tiêm chủng trọn đời.

Thứ ba, tiếp tục tổng hợp thông tin giám sát đa dạng các mầm bệnh đường hô hấp để nhận thức tình huống một cách toàn diện.

Thứ tư, chuẩn bị các biện pháp ứng phó y tế trong khuôn khổ quy định quốc gia, bảo đảm tính sẵn có và cung ứng lâu dài vắc-xin, các phương tiện chẩn đoán và điều trị.

Thứ năm, tiếp tục làm việc với các cộng đồng, địa phương về quản lý thông tin, quản lý rủi ro linh hoạt và toàn diện.

Thứ sáu, tiếp tục dỡ bỏ các hạn chế y tế liên quan đến thông thương quốc tế.

Thứ bảy, tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu vắc-xin, nghiên cứu về COVID-19, hậu COVID-19 và các thay đổi của virus, đặc biệt là trong quần thể suy giảm miễn dịch, phát triển các lộ trình chăm sóc tích hợp có liên quan.

Tổng giám đốc WHO sẽ tiếp tục triệu tập Ủy ban Đánh giá IHR để tư vấn về bộ khuyến nghị chính thức thay thế cho 7 khuyến nghị tạm thời này song song với việc tích hợp giám sát COVID-19 vào Hệ thống giám sát và ứng phó với dịch cúm toàn cầu.


ANH THƯ