Công ty Mỹ từng gửi virus giống SARS-CoV-2 tới phòng thí nghiệm Vũ Hán?

Đài Sputnik ngày 21-11 cho biết thông tin trên do tổ chức phi lợi nhuận Dự án chất thải áo khoác trắng (WCWP) của Mỹ công bố. Tổ chức này thường sử dụng Đạo luật Tự do thông tin (FOIA) để tìm kiếm bằng chứng về những thí nghiệm liên quan tới động vật.

Theo WCWP, công ty EcoHealth Alliance (Mỹ) đã “gửi các mẫu virus được tìm thấy trong dơi ở Lào tới Viện Virus học Vũ Hán để tiến hành nghiên cứu từ tháng 6-2017 đến tháng 5-2019”.

Những email mà WCWP thu được đề cập tới virus từ “dơi và các loài động vật có nguy cơ cao khác” đã được gửi đi nghiên cứu nhằm “tìm hiểu khả năng những mầm bệnh có nguồn gốc động vật này lây lan sang người”.

Viện Virus học Vũ Hán. Ảnh: AP

Nghiên cứu trên do Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) tài trợ. NIH xác nhận EcoHealth Alliance đã thực hiện nghiên cứu như vậy.

Phó Giám đốc NIH Lawrence Tabak nói rằng EcoHealth Alliance nghiên cứu virus với sự giúp đỡ tài chính của NIH. Điều này bị các chuyên gia coi là nguy hiểm vì có thể vô tình giải phóng các loại virus rất dễ lây lan và biến đổi gây chết người trên thế giới.

Mặc dù vậy, vào thời điểm đó, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci tuyên bố virus nằm trong dự án nghiên cứu “không bao giờ có thể trở thành SARS-CoV-2”.

WCWP cho biết các mẫu virus được tìm thấy trong dơi ở Lào gửi đến phòng thí nghiệm Vũ Hán dưới tên gọi Banal-52 và có trình tự bộ gien tương đồng 96,8% so với virus SARS-CoV-2. Đồng thời, một số nhà khoa học tin rằng virus bị đột biến trước khi có thể lây lan sang người.

Nhiều ý kiến cho rằng SARS-CoV-2 thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán nhưng cơ quan tình báo Mỹ không tìm được bằng chứng nào để giải quyết bí ẩn nguồn gốc Covid-19.

Đáp lại, ngày 21-11, EcoHealth Alliance khẳng định họ không gửi các mẫu virus từ Lào tới Vũ Hán. Tuy nhiên, công ty này thừa nhận đã yêu cầu NIH cho phép làm việc tại các nước Đông Nam Á, bao gồm cả ở Lào, và được phê duyệt. Nhưng sau cùng, họ chọn Trung Quốc để nghiên cứu.


Phạm Nghĩa