Chữ “tình” ở Santorini

Chuyến bay thẳng từ Đức đưa gia đình tôi đến hòn đảo núi lửa Santorini của Hy Lạp vào một sáng chớm thu, tiết trời đã pha chút dịu dàng.

Con đường đưa chúng tôi về bãi biển cát đen vòng vèo qua những ngôi làng nằm rải rác từ thấp lên cao. Rất nhiều bụi cây lúp xúp bò trên mặt đất khô cằn đầy sỏi đá, mà lúc đầu tôi cứ ngỡ là cây dại. Về sau, tôi được biết đó chính là giống nho đã làm nên các loại rượu vang Santorini nổi tiếng.

Người dân nơi đây hình như đã quá quen với những khó khăn của du khách nên rất nhiệt tình và thân thiện. Ông bà chủ khách sạn luôn miệng hỏi chúng tôi có cần giúp đỡ gì không. Khách sạn nhỏ xinh chẳng thiếu thứ gì – từ vòi nước rửa chân cho khách sau khi đi biển về đến dây phơi áo tắm được thiết kế ngay hành lang.

Sáng ra, bà chủ chuẩn bị chu đáo bữa điểm tâm cho chúng tôi rồi chúc một ngày đi chơi thật vui vẻ, tối về lại hỏi thăm gia đình đi được những đâu, có thích không? Hai anh con trai chủ khách sạn cũng vậy, lúc nào cũng tất bật như con thoi nhưng cứ gặp mặt lại nhoẻn miệng chào, khiến chúng tôi thấy gia đình họ thật gần gũi.

Khung cảnh xinh đẹp ở làng Fira

Bãi biển cát đen cách đó không xa. Trên đường đi bộ ra, chúng tôi thích thú trầm trồ trước một cây vả sai trĩu quả. Ông chủ nhà nhìn thấy, không ngần ngại chạy ra hái tặng chúng tôi mấy trái đang nứt miệng. Đó là lần đầu tôi được thưởng thức một trái vả tứa ra những giọt mật ngọt lịm.

Anh chủ nhà hàng cạnh bãi biển cũng thân thiện tặng luôn gia đình tôi một hộp vả, khi thấy tôi hết lời ca ngợi thứ trái cây vừa được ăn và ngỏ ý hỏi tìm chỗ mua. Thật khó từ chối tấm lòng của anh, chúng tôi vui vẻ nhận.

Bãi biển ở Santorini rất khác lạ. Lớp cát sỏi đen mịn như được tách lọc từ nham thạch, tụ lại thành một bãi tắm đặc biệt. Thả mình nổi trên mặt nước trong xanh, nhìn rõ cả những viên sỏi lấp lóa, để sóng đánh dập dềnh trôi, cảm giác thật phiêu bồng, sau đó lên bờ, thưởng thức các loại hải sản tươi ngon với giá khá rẻ. Đặc sản vẫn là các loại hải sản nướng than thơm lừng, lá nho cuộn thịt, bánh Gyros và sữa chua dê đặc sánh, mịn màng…

Từ bãi biển cát đen chạy xe thêm vài cây số là tới bãi biển cát đỏ. Xung quanh, những vách núi đất sẫm màu ôm dọc bờ biển nên cát sỏi ở đây cũng nhuốm màu đỏ. Người đàn ông Hy Lạp ngồi trên mỏm đất cao, say sưa kéo vĩ cầm. Tiếng nhạc réo rắt, ngân nga, lãng mạn hòa vào không gian rộng mở của biển trời xanh ngắt, làm lay động, thổn thức trái tim du khách.

Nghỉ ngơi, tắm biển xong, việc chính của gia đình tôi là đi khám phá miệng núi lửa Nea Kameni, thăm 2 ngôi làng đẹp nhất đảo và chờ ngắm hoàng hôn trên vịnh Amoudi.

Trung tâm chính của đảo là làng Fira, cách bãi biển cát đen chừng 12 km. Điều đặc biệt tạo nên hòn đảo nổi tiếng này là những ngôi nhà màu trắng nằm gối lên nhau bám vào vách núi dựng đứng.

Đi bộ theo con đường vòng vèo men triền núi, chúng tôi thấy cơ man nào là những cửa hàng thời trang, lưu niệm, khách sạn, quán ăn san sát nối nhau, tùy theo độ thoải của vách núi và cùng hướng ra vùng trời biển mênh mông. Tông màu trắng tinh khiết nổi bật giữa nền trời xanh biếc tiệp cùng màu lục ngọc của biển Địa Trung Hải, tạo thành bức tranh sắc màu vô cùng hoàn mỹ.

Hôm sau, để mua vé ra tham quan đảo núi lửa Nea Kameni, chúng tôi phải xếp hàng rất lâu trước một văn phòng du lịch ở Fira. Trời nóng và oi bức nhưng cô bán vé vẫn rất kiên nhẫn và vui vẻ khi giới thiệu các chương trình bên cô có và dặn dò kỹ du khách những điều cần lưu ý.

Từ Fira, có 2 cách để xuống bến cảng cũ là đi cáp treo hoặc cưỡi lừa, rồi từ đó lên thuyền đi ra đảo. Ông thuyền trưởng đích thân ra đỡ tay chúng tôi lên thuyền. Gần đến đảo Nea Kameni, chúng tôi được trải nghiệm tắm suối nước khoáng, cảm giác nước mặn chát nên không dám ngụp xuống vì khó thở nhưng tắm xong thật sảng khoái.

Nea Kameni là một công viên địa chất cằn cỗi. Leo một quãng đường khoảng 40 phút là tới đỉnh, nơi hõm núi lửa hoạt động gần đây nhất vẫn còn. Thỉnh thoảng từ trong các kẽ đá người ta vẫn nhìn thấy khói thoát ra có mùi lưu huỳnh, sờ tay vào những hòn đá ở đó, cảm giác nóng rẫy.

Hoàng hôn ở làng Oia

Làng Oia nằm ở vị trí cao nhất về phía Bắc của đảo. Đây là ngôi làng đẹp nhất và đắt đỏ nhất Santorini. Vẫn là thiết kế nhà màu trắng có mái vòm hoặc vuông, nằm xen kẽ giữa những tháp chuông nhà thờ màu xanh nổi bật. Những bậc thang lên xuống bằng đá, ban công chạy dài, những khách sạn, nhà hàng được thiết kế như những hang động nằm ẩn trong vách núi. Tất cả tạo cho ngôi làng một vẻ đẹp quyến rũ mê hồn.

Nơi đây là một trong những nơi đẹp nhất để ngắm hoàng hôn trên thế giới. Khi chiều xuống, dòng du khách đổ về “đại lộ hoàng hôn”, cố tìm cho mình một chỗ để chờ khoảnh khắc kỳ diệu nhất trong ngày sắp đến. Từ lúc mặt trời vẫn còn tỏa những tia nắng vàng rực cho đến khi đỏ lựng như quả cam, cả khoảng chân trời trước mặt chúng tôi như một vầng hào quang chói lòa rồi từ từ tụt xuống mặt biển sẫm màu.

Tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên, tiếng kèn saxophone trỗi lên những giai điệu du dương cứ bay xa trên vùng biển.

Sáng hôm sau, chúng tôi trả phòng sớm để về Đức. Bà chủ khách sạn niềm nở đưa cho chúng tôi những món đồ phơi bị rơi xuống dưới sân, rồi lại dúi vào tay tôi một hộp quà lưu niệm. Tôi nhìn bà đầy cảm kích. Chúng tôi không phải là du khách duy nhất ở đây. Khách sạn luôn kín phòng, vậy làm sao bà biết được đó là đồ của gia đình tôi?

Chuyến bay đã cất cánh, những ngôi nhà màu trắng bám trên vách núi đầy ấn tượng cũng xa dần. Có thể vẫn còn đâu đó những thứ chưa được như ý, như khách du lịch quá đông, thùng rác công cộng hơi ít và đường sá nhỏ hẹp hầu như không thấy đèn xanh đèn đỏ. Nhưng đọng lại mãi trong tôi vẫn là sự kỳ vĩ hiếm có của cảnh quan, là sự thân thiện, hiếu khách của những người dân tôi gặp trên đảo – những người đã khiến cho Santorini có thêm một chữ “tình”.


Bài và ảnh: TRẦN THỦY (từ Giessen – Đức)