Choáng với số tiền Trung Quốc mua vắc-xin ngừa COVID-19

Trong tuyên bố hôm 9-3, Cơ quan An ninh Y tế Quốc gia (NHSA), cơ quan giám sát quỹ bảo hiểm y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết vắc-xin bất hoạt – loại được sử dụng rộng rãi nhất ở Trung Quốc – có giá trung bình 16 nhân dân tệ mỗi liều.

Hầu hết các liều vắc-xin được sản xuất bởi công ty nhà nước Sinopharm và công ty dược phẩm tư nhân Sinovac. Hai loại vắc-xin khác của Trung Quốc chủ yếu của Công ty Anhui Zhifei Longcom cũng có giá khoảng 16 nhân dân tệ mỗi liều, theo South China Morning Post.

Trong khi đó, theo tổ chức Henry J. Kaiser Family Foundation có trụ sở tại San Francisco, giá mua trung bình mỗi liều vắc-xin do chính phủ Mỹ chi trả là 20,69 USD cho tổng số 1,2 tỉ liều vắc-xin Pfizer và Moderna.

Trung Quốc chi 150 tỉ nhân dân tệ vào năm 2021 và 2022 để mua vắc-xin và tiêm chủng cho người dân. Ảnh: DPA

NHSA cho biết họ đã chi 150 tỉ nhân dân tệ vào năm 2021 và 2022 để mua vắc-xin và tiêm chủng cho người dân. Ngoài ra, quỹ bảo hiểm y tế nhà nước đã chi 4,3 tỉ nhân dân tệ cho các xét nghiệm COVID-19.

Xét nghiệm hàng loạt là yếu tố trọng tâm của chính sách Không COVID-19 của Trung Quốc, một chiến lược đã được thực hiện trong gần 3 năm.

Quảng Đông, tỉnh giàu nhất và lớn nhất của Trung Quốc, đã chi 71,13 tỉ nhân dân tệ vào năm 2022 để chống COVID-19, con số chiếm hơn 5% tổng chi tiêu tài chính của tỉnh. Từ năm 2020-2022, tỉnh này đã chi tổng cộng 146,79 tỉ nhân dân tệ liên quan đến phòng ngừa dịch COVID-19.

Chi phí cho cuộc chiến chống COVID-19 của Bắc Kinh cũng tăng vọt lên 30 tỉ nhân dân tệ vào năm ngoái, tương đương gần 4,2% chi tiêu tài chính của thủ đô. Tỉnh Chiết Giang chi 43,5 tỉ nhân dân tệ vào năm ngoái và Thượng Hải là 16,77 tỉ nhân dân tệ.

Đồng thời, doanh thu của chính quyền địa phương cũng giảm 2,1% trong năm 2022, theo Bộ Tài chính Trung Quốc. Trong số 10 danh mục chi tiêu tài chính, chi tiêu cho y tế tăng nhanh nhất, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước đó.

Ông Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore, cho biết: “Về chi tiêu, chính quyền địa phương đã chi quá nhiều cho các xét nghiệm PCR và chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều”.

Ông Wu nói thêm rằng tình hình tài chính trì trệ của địa phương không thể chỉ đổ lỗi do chi tiêu liên quan đến đại dịch. Chuyên gia này lập luận chính sách “Không COVID-19” kéo dài gây ra các vấn đề xã hội, bao gồm góp phần tăng chi phí quản lý.


Xuân Mai