Chiến sự tiếp diễn, kết cục bất định

Cách đây một năm (ngày 24-2-2022), xung đột bùng phát ở Ukraine. Nga khởi đầu sự kiện này và gọi đó là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

 Châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị an ninh nghiêm trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Chính trị, kinh tế và thương mại thế giới cũng như quan hệ quốc tế bị cuốn hút vào vòng xoáy tác động và hệ lụy của cuộc xung đột này.

Cuộc so tài về mọi phương diện

Một năm sau, “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã trở thành một cuộc chiến thực thụ theo đúng định nghĩa kinh điển của nó.

Ở Ukraine, đồng thời còn có cuộc so tài giữa Nga với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), NATO, nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) và đồng minh về mọi phương diện, đặc biệt về ý thức hệ và hệ giá trị, kinh tế, tiềm lực tài chính và công nghệ, vũ khí và kỹ thuật quân sự…

Riêng cuộc chiến kinh tế giữa hai bên ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động bình thường của chuỗi cung ứng toàn cầu, làm xáo trộn thị trường năng lượng thế giới và làm thay đổi các mối quan hệ kinh tế đối ngoại giữa các bên liên quan đến xung đột và cả giữa các quốc gia và vùng lành thổ trên thế giới.

Một năm sau ngày chiến sự bùng phát, Nga không đạt được hết mọi mục tiêu ban đầu đề ra, đã vài lần phải thay đổi mục tiêu cụ thể và cách thức tiến hành cuộc chiến nhưng cũng đã kiểm soát được khoảng 18% lãnh thổ Ukraine và có được hành lang trên đất liền kết nối với bán đảo Crimea. Nga tạo thêm sự đã rồi mới bằng việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson.

Phía Ukraine không những chỉ cầm cự thành công mà còn có thể phản công và gây thiệt hại lớn cho quân đội Nga nhưng cái giá đắt phải trả là đất nước bị tàn phá, hàng triệu người phải tị nạn, thiệt hại về người và của rất lớn, bị mất một phần lãnh thổ. Đặc biệt, Kiev phải lệ thuộc hoàn toàn vào sự ủng hộ chính trị và hậu thuẫn về tài chính, quân sự của Mỹ, EU, NATO và đồng minh để tồn tại và đối đầu với Moscow.

Hiện trạng kiểm soát ở Ukraine tính đến ngày 20-2-2023Đồ họa: Al Jazeera

Xung đột còn dai dẳng

Một năm qua, Mỹ, EU, NATO và đồng minh đã không tiếc tiền của và vũ khí cho Ukraine giao tranh với Nga. Cả EU và NATO đều vứt bỏ không ít những nguyên tắc xưa nay được coi là điều cấm kỵ để chống lưng cho Ukraine.

Phe này đã và sẽ còn tiếp tục trả mọi giá để làm cho Nga thất bại ở Ukraine bởi ý thức được rằng tương lai của Ukraine, EU, NATO nói riêng và khối phương Tây nói chung đều phụ thuộc vào kết cục của cuộc chiến này. Các bên liên quan hiện đều trong tình thế đã đâm lao nên phải theo lao.

Thế giới bị cuộc xung đột phân chia thành hai phe đối kháng trực tiếp cũng như gián tiếp với nhau và bộ phận trung dung không nghiêng ngả hẳn về phe nào.

Trong bộ phận này có những quốc gia chủ trương trung lập và những quốc gia tìm cách cân bằng động giữa hai phe kia, tức là ở chuyện này thì thiên về phe này nhưng trong chuyện kia lại lệch về phía kia.

Họ tránh và hiện chưa bị xô đẩy vào tình thế buộc phải chọn bên. Vì thế, cuộc xung đột sau một năm dai dẳng làm châu Âu thay đổi rất cơ bản về cục diện chính trị và an ninh, quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại.

Xung đột cũng đẩy châu Âu vào khủng hoảng trên nhiều phương diện nhưng không làm đảo lộn cả thế giới, không chi phối chiều hướng và mức độ diễn biến tình hình chính trị an ninh và ổn định ở các khu vực và châu lục khác của thế giới.

Cứ theo bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa rồi ở Ukraine và Ba Lan cũng như thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin ngày 21-2 vừa qua thì biết cuộc chiến ở Ukraine sẽ còn dai dẳng, thêm quyết liệt chứ không ngược lại và kết cục hoàn toàn bất định.

Lý do ở chỗ cả Mỹ và Nga đều quyết tâm giành chiến thắng và đều sẵn sàng trả mọi giá cho chiến thắng. Cách tiếp cận kết cục như thế loại trừ ngay từ đầu mọi cơ hội cho đàm phán ngoại giao hướng tới giải pháp chính trị hòa bình.

Sau một năm xung đột Nga – Ukraine, hệ lụy của chiến sự ở Ukraine và đối địch giữa các bên liên quan sẽ còn gia tăng trong thời gian tới rất có thể sẽ nguy hại hơn trước đối với các bên liên quan và đối với thế giới. 

Việt Nam kêu gọi nối lại đối thoại, đàm phán

Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã nhóm họp hôm 22-2 (giờ New York) để tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine.

Tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, nêu rõ Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Việt Nam kêu gọi LHQ, các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế tiếp tục gia tăng nỗ lực để viện trợ, cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột, đồng thời ủng hộ vai trò, nỗ lực của LHQ và Tổng Thư ký LHQ trong tìm kiếm giải pháp. Việt Nam khẳng định sẵn sàng đóng góp trong khả năng của mình vào nỗ lực ngoại giao, tái thiết, hồi phục, cứu trợ ở Ukraine.

D.Ngọc


Ngải Sa