Chàng trai dạy tiếng Việt cho người Nhật

Lúc mới qua Nhật Bản du học vào năm 2013, anh Nguyễn Đạt vừa đi học vừa đi làm, đồng thời tham gia một số hoạt động giao lưu văn hóa Việt – Nhật. Ban đầu không nghĩ bản thân đủ khả năng dạy tiếng Việt cho người Nhật, anh Đạt quyết định làm thêm tại các quán ăn.

Từ người học đầu tiên

Sau khi tiếng Nhật khá hơn, anh Đạt làm việc ở cửa hàng bánh, tiếp đó trở thành phiên dịch viên cho các tu nghiệp sinh, những người lao động và các công ty.

Năm 2019, anh tốt nghiệp Trường ĐH Tokai ở tỉnh Kanagawa ngành quản trị kinh doanh và vào làm việc cho một công ty thực phẩm. Cũng từ đây, cuối tuần anh tham gia các hoạt động tình nguyện dạy tiếng Việt miễn phí.

Một đồng nghiệp của Đạt giới thiệu cho anh ứng dụng học ngôn ngữ để có thể giao lưu với nhiều người Nhật hơn. Đó là cầu nối giúp anh làm quen với người học đầu tiên của mình: Một bác người Nhật muốn học tiếng Việt.

Anh Nguyễn Đạt (thứ hai từ phải qua) tham gia hoạt động trao đổi học tiếng Việt và tiếng Nhật ở quận Shinjuku, Tokyo Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

“Khi đó, tôi cảm thấy rất xúc động vì gặp được một người Nhật bày tỏ mong muốn học nói tiếng Việt và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam nên tôi đã hướng dẫn miễn phí cho bác ấy” – anh Đạt kể.

Nhận thấy chàng trai đến từ TP HCM này rất nhiệt tình, bác “học viên” đã giới thiệu anh Đạt đến một trường dạy tiếng Việt cho người Nhật mang tên GoWell, cũng là nơi bác theo học trước đó.

Cơ duyên dạy tiếng Việt cho người Nhật của anh Đạt chính thức bắt đầu từ năm 2021, khi anh chuyển đến thủ đô Tokyo để tìm cơ hội việc làm tốt hơn và làm thêm tại chính trường GoWell.

Bên cạnh việc giúp anh kiếm thêm một phần thu nhập, ngẫm lại, nguyên nhân khiến anh vẫn duy trì công việc dạy tiếng Việt cho người Nhật trên tinh thần tình nguyện là anh muốn trả ơn nước Nhật đã giúp anh trưởng thành và trui rèn anh qua những thử thách để phát triển bản thân.

“Cũng nhờ công việc làm thêm đặc biệt này mà tôi hiểu hơn về nền giáo dục của Nhật Bản và có góc nhìn đa chiều về cách người Nhật cảm nhận đất nước cũng như con người Việt Nam” – anh tâm sự.

Trung tâm ngôn ngữ GoWell dạy nhiều thứ tiếng, ngoài tiếng Việt còn có tiếng Thái Lan, Indonesia… Phương thức dạy “một kèm một” buộc giáo viên phải liên tục trau dồi kiến thức, học hỏi, có cách hướng dẫn hay, thu hút để giữ chân học viên tiếp tục đăng ký học. Trung tâm có hình thức dạy trực tuyến và trực tiếp linh hoạt cho giáo viên lẫn học viên.

Một tiết dạy học trực tuyến của anh Đạt (dưới) với học viên Nhật Bản trình độ sơ cấp 1, chuẩn bị đi công tác tại TP HCM – Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phương pháp sáng tạo

Học viên của anh Đạt rất đa dạng, từ những người muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, làm việc tại Việt Nam cho đến cảnh sát Nhật Bản… Điều đó phần nào giúp anh tiếp xúc được nhiều đối tượng học viên và quan trọng hơn là thúc đẩy anh có nhiều động lực truyền lửa cho người học.

 Anh chia sẻ rằng gặp đồng hương nơi đất khách đã rất vui rồi nhưng khi gặp được những người Nhật muốn học tiếng Việt anh lại càng xúc động, hạnh phúc.

Hiểu được sự khó khăn của người Nhật khi học và phát âm tiếng Việt, chàng trai 33 tuổi khéo léo kết hợp tiếng Việt với âm nhạc. Đa số người Nhật học tiếng Việt có nhu cầu đến Việt Nam trong thời gian ngắn nên giáo trình thường kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, với mục tiêu chung là bảo đảm học viên có thể giao tiếp cơ bản.

Tùy đối tượng học là cảnh sát, quản lý tu nghiệp sinh hay những người Nhật muốn đến Việt Nam làm việc mà anh Đạt có phương pháp truyền đạt khác nhau – không chỉ từ vựng, ngữ pháp, ngữ điệu mà còn cả về văn hóa cho từng trường hợp cụ thể.

Điều khiến anh Đạt vui và xúc động nhất là chứng kiến những học viên của mình, có những người trên 60 tuổi, học tiếng Việt rất chăm chỉ. Anh kể kỷ niệm có một bác lớn tuổi gọi điện thoại cho anh nói rằng: “Thầy Đạt ơi, tôi tập viết rất nhiều rồi và dán cả từ vựng trong nhà tắm để có thể học thuộc”.

Anh Đạt cảm nhận khi dạy tiếng Việt, anh không chỉ dạy ngôn ngữ mà còn truyền cảm hứng, chia sẻ khó khăn, khác biệt về văn hóa giữa con người hai nước.

Anh Đạt mặc áo dài, làm hoạt náo viên trong một hoạt động giao lưu Việt – Nhật mừng xuân 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Số người Việt tại Nhật Bản tăng nhanh thời gian qua nên số người Nhật quan tâm đến văn hóa Việt Nam cũng nhiều hơn. Dù vậy, nhu cầu học tiếng Việt tại Nhật chưa cao nên giáo viên dạy tiếng Việt tại đây còn khá ít. Trung tâm GoWell nơi anh giảng dạy chỉ có 10 giáo viên dạy tiếng Việt.

Cũng như anh Đạt, các giáo viên này đều trên dưới 30 tuổi và cùng chung mong muốn giới thiệu văn hóa, truyền thống của người Việt Nam đến với người dân Nhật Bản thông qua việc dạy ngôn ngữ. Không chỉ vậy, việc giảng dạy còn giúp họ vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương. 

“Món quà ngọt ngào”

Công việc dạy tiếng Việt giờ đây như là niềm vui của anh Nguyễn Đạt khi nhìn lại hành trình 10 năm lập nghiệp không ít khó khăn tại Nhật Bản. Đó cũng là “món quà ngọt ngào” mà anh mong muốn dành tặng cho đất nước mặt trời mọc.

Sau khi giảng dạy khoảng 1 năm, anh Đạt ấp ủ ước mơ mời gọi những người nói tiếng Việt tại Nhật thành lập cộng đồng giao lưu “Người Nhật yêu Việt Nam”. Anh hiện vẫn giữ liên lạc với 20 học viên mà mình từng hướng dẫn. Trong thời gian tới, anh cũng dự kiến tham gia tổ chức phi lợi nhuận giúp kết nối sinh viên hai nước, cũng như các trường đại học tại Việt Nam và Nhật Bản.


XUÂN MAI