Biên giới Armenia – Azerbaijan tiếp tục nóng

Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc Azerbaijan, được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn về chính trị và quân sự, đã nã pháo, súng cối và các loại vũ khí nhỏ khác trong cuộc tấn công mới.

Căng thẳng leo thang giữa Armenia và Azerbaijan đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13-9 kêu gọi các bên bình tĩnh khi cả 2 nước đều đổ lỗi cho nhau về vụ đụng độ đẫm máu.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc mọi việc bắt nguồn từ Armenia, quốc gia nằm trong liên minh quân sự với Nga, bắn súng cối và pháo nhằm vào các đơn vị quân đội của họ và khiến 2 dân thường bị thương.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các lực lượng vũ trang của đất nước hôm 13-9 Ảnh: REUTERS

Các cuộc đụng độ làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang toàn diện giữa 2 nước, có nguy cơ kéo theo cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời gây mất ổn định hành lang quan trọng cho các đường ống dẫn dầu và khí đốt, làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng như những gì đã xảy ra liên quan tới xung đột Nga – Ukraine.

Điều này gây mối quan ngại quốc tế khiến Nga, Mỹ, Pháp và Liên minh châu Âu (EU) đều kêu gọi các bên kiềm chế và đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt giao tranh. Đại diện đặc biệt của EU Tovio Klaar dự kiến đến Nam Caucasus vào ngày 14-9 để thúc đẩy đối thoại giữa chính quyền Baku và Yerevan.

Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu, mà Armenia đã báo cáo sau khi các cuộc đụng độ nổ ra, cũng cử một phái đoàn đến đánh giá tình hình ở nơi xảy ra xung đột.

Xung đột giữa 2 nước đã kéo dài nhiều thập kỷ tại Nagorno-Karabakh, vùng núi được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng cho đến năm 2020 người Armenia đã hoàn thành kiểm soát. Xung đột liên tục nổ ra bất chấp lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian.


Anh Thư