Biến đổi khí hậu nhìn từ “đại hồng thủy” ở Pakistan

1/3 diện tích đất nước bị nhấn chìm, hơn 1.300 người thiệt mạng, 1,2 triệu ngôi nhà bị phá hủy và thiệt hại tài sản ít nhất 10 tỉ USD nhưng Pakistan góp chưa đến 1% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu dù có tới 220 triệu dân. Vị trí địa lý đã khiến họ trở thành một trong những nước có nguy cơ chịu thiệt hại vì biến đổi khí hậu cao nhất thế giới.

Nông nghiệp chiếm tới 22,7% tổng sản phẩm quốc nội của Pakistan nên thiệt hại mùa màng do lũ là cực lớn. Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), 80% cây trồng ở Sindh – nơi cung cấp 30% sản lượng bông toàn quốc – đã bị phá hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dệt may, nguồn cung việc làm và thu ngoại tệ của đất nước.

 Lạm phát tăng vọt với chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng tới 27,3%, cao nhất trong vòng 5 thập kỷ, đài Al-Jazerra đưa tin.

Người dân đi thuyền qua những ngôi nhà ngập trong nước lũ, ở làng Bajara, Sehwan – Pakistan ngày 6-9. Ảnh: REUTERS

Một số chuyên gia kinh tế nhận định tác động lan tỏa của thảm họa có thể khiến con số thiệt hại có thể lên tới 15-20 tỉ USD, sẽ xuất hiện với độ trễ mà theo chuyên gia kinh tế Shahrukh Wani từ ĐH Oxford, có thể phải mất nhiều tháng để xác định thiệt hại toàn diện. Chính phủ sẽ đối diện khó khăn nghiêm trọng trong việc giảm thâm hụt thương mại vì thời gian tới có thể phải nhập khẩu lương thực và bông.

Thách thức trước mắt mà kinh tế Pakistan sẽ phải đối mặt là hoàn thành các điều kiện tăng thuế và áp dụng biện pháp “thắt lưng buộc bụng” như một phần của thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về gói cứu trợ đã được phê duyệt tháng trước.

Theo CNA, hôm 7-9 quốc gia khác cũng đang bị bão lũ vùi dập là Hàn Quốc đã báo cáo số người chết tăng lên 10, 2 người khác vẫn mất tích. Bão Hinnamnor đã buộc hơn 4.700 người phải di tản, phá hủy khoảng 12.000 ngôi nhà và tòa nhà, phá hủy lưới điện làm 90.000 người phải sống trong bóng tối.


Anh Thư