Bất ổn chồng chất bủa vây FED

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 3-5 (giờ địa phương) ra quyết định về việc tăng lãi suất và báo hiệu sẽ tạm dừng chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ kéo dài 14 tháng qua. Theo hãng tin Reuters, các nhà hoạch định chính sách FED đang nỗ lực cân bằng giữa việc hạ nhiệt lạm phát với một loạt rủi ro cấp bách, từ sự sụp đổ ngân hàng đến nguy cơ vỡ nợ của Mỹ vào tháng sau.

Trước khi Chủ tịch FED Jerome Powell ra thông báo, giới đầu tư đã dự báo FED sẽ tăng 0,25 điểm % trong cuộc họp quyết định tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 3-2022, nâng mức lãi suất lên khoảng 5%-5,25%. Câu hỏi đặt ra là liệu FED sẽ phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất và duy trì ở mức cao đến hết năm 2023 hay không.

Tài sản của Ngân hàng First Republic bị bán lại cho Ngân hàng JPMorgan Chase vào cuối tuần qua. Ảnh: REUTERS

Hồi tháng 3, 10 trong số 18 nhà hoạch định chính sách của FED cho biết sẵn sàng dừng tăng lãi suất sau cuộc họp hôm 3-5. Các quan chức FED giờ đây đối mặt với 2 kịch bản kinh tế có thể khiến các quyết định về lãi suất trong tương lai trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn.

Một mặt, tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng và các cuộc tranh cãi về nâng trần nợ công có thể làm suy yếu nền kinh tế nếu các ngân hàng hạn chế cho vay và thị trường tài chính lao dốc vì lo ngại về khả năng vỡ nợ của Mỹ. Những điều này sẽ ngăn FED tăng lãi suất cao hơn nữa, ít nhất là lúc này.

Mặt khác, lạm phát dù đã chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%, làm dấy lên lo ngại rằng FED có thể thắt chặt tín dụng hơn nữa để làm chậm tốc độ tăng giá. Các đợt tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục, khiến lãi suất cho vay ngày càng cao và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Cuộc họp hôm 3-5 diễn ra trong bối cảnh kinh tế ngày càng mờ mịt. Tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã bùng phát trở lại sau khi cơ quan quản lý tịch thu và bán lại Ngân hàng First Republic vào cuối tuần qua.

 Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai của Mỹ từ trước đến nay và là vụ lớn thứ 3 trong 6 tuần qua. Sự lo lắng của nhà đầu tư về kịch bản các ngân hàng khu vực khác có thể gặp vấn đề tương tự First Republic đã khiến giá cổ phiếu giảm mạnh.

Phố Wall cũng lo ngại nguy cơ Mỹ vỡ nợ ngay sau ngày 1-6 nếu Quốc hội không hành động nhanh chóng. Nếu các cuộc tranh cãi chính trị giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ quanh việc nâng trần nợ công xấu đi, nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái đủ sâu khiến FED phải quay đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay bất chấp lạm phát không được kiểm soát hoàn toàn.

Theo hãng tin AP, Ngân hàng Goldman Sachs ước tính việc giảm cho vay trên diện rộng có thể khiến tăng trưởng của Mỹ giảm 0,4 điểm % trong năm nay, đủ để gây ra suy thoái. Hồi tháng 12-2022, FED dự báo mức tăng trưởng chỉ 0,5% vào năm 2023. 


Xuân Mai