Ấn Độ: Uống “thần dược trị bá bệnh” nước tiểu bò… ngừa Covid-19

Tiệc uống nước tiểu bò do nhóm Akhil Bharat Hindu Mahasabha (Liên minh Hindu giáo toàn Ấn Độ) tại trụ sở của nhóm này ở New Delhi, với sự tham dự của 200 người vào ngày 14-3. Ban tổ chức hy vọng có thể nhân rộng sự kiện này ở nhiều nơi trên khắp Ấn Độ. 

Om Prakash, một người tham dự tiệc, cho biết: “Chúng tôi đã uống nước tiểu bò được 21 năm, chúng tôi còn tắm bằng phân bò. Chúng tôi chưa bao giờ cần dùng đến thuốc Tây”.

Tín đồ Hindu giáo uống nước tiểu bò trong “bữa tiệc” ở New Delhi ngày 14-3. Ảnh: REUTERS

Những người tham gia uống nước tiểu từ ly giấy hoặc ly gốm.Ảnh: EPA

Trong khi phục vụ phương thuốc trị bá bệnh trong chiếc ly bằng đất sét, tình nguyện viên tham gia “bữa tiệc” tên Hari Shankar Kumar khẳng định: “Những người uống nước tiểu bò sẽ được chăm sóc và bảo vệ”. Các ảnh chụp cho thấy đàn ông và phụ nữ uống nước tiểu từ ly làm bằng giấy hay đất sét.

Bò được xem là loài vật linh thiêng đối với các tín đồ Hindu giáo, thậm chí một số người tin rằng uống nước tiểu bò có thể chữa được bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhiều lần khẳng định thứ nước này không thể chữa được bệnh tật, cũng không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể ngăn ngừa Covid-19.

Trong bữa tiệc, Chakrapani Maharaj, lãnh đạo Liên minh Hindu giáo toàn Ấn Độ, cầm chiếc muỗng chứa nước tiểu bò đưa vào gần một bức tranh biếm họa về Covid-19, biểu thị cho hành động “đánh bại” virus SARS-CoV-2.

200 người tham gia tiệc uống nước tiểu bò ở New Delhi. Ảnh: EPA

Một số thành viên đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng ủng hộ việc sử dụng nước tiểu bò làm thuốc và chữa ung thư. Một lãnh đạo bang Assam (phía Đông Bắc Ấn Độ) hồi đầu tháng này nói với các nghị sĩ ở bang này rằng nước tiểu và phân bò có thể được sử dụng để điều trị Covid-19.

Ngày 14-3, Ấn Độ đã tuyên bố sự lây lan của dịch Covid-19 tại nước này là tình trạng thảm họa quốc gia và cho biết sẽ hỗ trợ 4 lakh (khoảng hơn 120 triệu đồng) cho các gia đình có người thân tử vong. Số ca nhiễm và tử vong ở nước này hiện lần lượt là 100 và 2. Tính đến sáng 15-3, thế giới đã có hơn 156.500 ca nhiễm và hơn 5.830 ca tử vong, theo thống kê của trang worldometers. Trong khi đó các nước đang chạy đua để bào chế vắc-xin ngừa Covid-19.


H.Bình (Theo Reuters)