ADB công bố quỹ mới tài trợ hàng tỉ đô chống biến đổi khí hậu

Thông báo được Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa đưa ra vào ngày khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 56 của ADB tại Incheon, Hàn Quốc.

Các đối tác ban đầu của IF-CAP là Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Mỹ. Các đối tác này đang thảo luận với ADB về việc cung cấp một loạt các khoản viện trợ không hoàn lại để chuẩn bị dự án cùng với bảo lãnh cho một phần danh mục khoản vay chính phủ của ADB. Rủi ro được giảm đi do các khoản bảo lãnh tạo ra sẽ cho phép ADB giải phóng vốn để đẩy nhanh các khoản vay mới cho các dự án khí hậu. 

Với mô hình “1 đô-la vào, 5 đô-la ra”, tham vọng ban đầu là 3 tỉ USD bảo lãnh có thể tạo ra những khoản vay mới lên tới 15 tỉ USD cho các dự án khí hậu cấp bách trên khắp Châu Á và Thái Bình Dương. Một cơ chế đảm bảo đòn bẩy cho tài trợ khí hậu chưa từng được một ngân hàng phát triển đa phương nào áp dụng từ trước đến nay.

Tài trợ của IF-CAP sẽ đóng góp vào tham vọng đã đề ra của ADB về 100 tỉ USD từ nguồn lực của mình để chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2019-2030. ADB đang thảo luận với các đối tác tiềm năng – như các nguồn, quỹ song phương và đa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức từ thiện, bao gồm Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh – để thúc đẩy đầu tư khí hậu.

Cùng ngày 2-5, ADB hợp tác với các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cộng 3 (ASEAN+3), đã công bố báo cáo “Tăng cường những phương thức tài trợ cho cơ sở hạ tầng bền vững và thích ứng trong ASEAN+3” bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 56 của ADB. ASEAN+3 bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Báo cáo trình bày một tập hợp các phương thức tài trợ sáng tạo mới nhất cho các nhà đầu tư tư nhân, nhà nước và thể chế để hợp tác trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu và sẵn sàng cho tương lai, hỗ trợ phát triển bền vững và tăng trưởng sau đại dịch ở các nền kinh tế ASEAN+3. Báo cáo cũng đề xuất về “tiếng nói của ASEAN+3” trong cuộc thảo luận toàn cầu về tài trợ cơ sở hạ tầng, tập trung vào những nhu cầu, thách thức và cơ hội ở các nền kinh tế đang phát triển châu Á.

Theo ADB, châu Á đang phát triển sẽ cần đầu tư 13,8 ngàn tỉ USD, tương đương 1,7 ngàn tỉ USD mỗi năm, cho cơ sở hạ tầng từ năm 2023 đến năm 2030 để duy trì tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với các nền kinh tế ASEAN, ước tính tổng nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng ít nhất là 2,8 ngàn tỉ USD trong cùng kỳ, tương đương 184 tỉ USD hàng năm.

Việc thu hẹp khoảng cách tài trợ cho cơ sở hạ tầng sẽ rất quan trọng đối với các nền kinh tế để đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội của mình. Sự tham gia của khu vực tư nhân là chìa khóa. Hiện tại, hơn 200 ngàn tỉ USD vốn tư nhân được đầu tư vào các thị trường vốn toàn cầu. Cần có những cơ chế tài chính sáng tạo để xúc tác nguồn tài chính tư nhân và thể chế cho cơ sở hạ tầng, đồng thời mở rộng quy mô nguồn tài chính để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khu vực khi các nền kinh tế ASEAN+3 phục hồi sau đại dịch.

Một ví dụ là sự kết hợp các công cụ tài chính khác nhau để giảm rủi ro đầu tư và giảm chi phí vốn. Báo cáo cung cấp một bộ công cụ chính sách thân thiện với người dùng về các cách tiếp cận quan hệ đối tác công-tư, bao gồm cách chính phủ có thể hợp tác với các công ty, nhà đầu tư và tổ chức tài chính thông qua các nền tảng tài chính này.


Dương Ngọc