Được tin Mỹ Ngọc và Thanh Trung đường ai nấy đi, nhóm bạn học phổ thông đều cảm thấy hụt hẫng. Bởi mối tình ấy như mang tính biểu tượng giữa thời buổi có rất nhiều cuộc tình chớp nhoáng.

Vì sao ngại cưới?

Họ đến với nhau từ đầu năm học cấp 3, đến lúc vào đại học, cả hai yêu xa suốt 4 năm khi Trung đi du học. Ra trường rồi đi làm, họ vẫn tiếp tục những ngày tháng hẹn hò dù gia đình hai bên đều ủng hộ việc kết hôn và bạn bè thì lần lượt đám cưới. Gần đây, cả hai không còn đi chung, mọi người mới biết họ đã chia tay hơn 1 năm nay.

Cuộc tình hơn 10 năm giữa Cát Quỳnh và Việt Lâm cũng có những nét tương đồng. Quỳnh đang là trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp logistics tại TP Thủ Đức, Lâm là kỹ sư xây dựng của một công ty tư vấn – giám sát ở quận 7. Cả hai đều thành đạt, có cơ ngơi riêng nhưng vẫn chưa muốn về chung một nhà, mặc cho cha mẹ đốc thúc. Quỳnh hài lòng với cuộc sống hiện tại vì mỗi người có khoảng trời riêng, tự do làm những gì mình thích, không bị ràng buộc bởi những trách nhiệm với gia đình hai bên… Quan trọng hơn cả là họ cảm thấy hạnh phúc với điều đó và luôn yêu thương, chăm sóc cho nhau.

Lâm cũng cho rằng không phải cứ cưới nhau thì mới có trách nhiệm với người kia. “Hôn nhân sẽ không có ý nghĩa nếu chỉ để ràng buộc trách nhiệm. Yêu nhau thực sự, người ta sẽ luôn hướng về nhau, quan tâm, chăm sóc nhau dù có hay không có tờ giấy đăng ký kết hôn. Chúng tôi hạnh phúc với hiện tại, khi nào cả hai muốn thì sẽ tổ chức đám cưới, đăng ký kết hôn” – Lâm chia sẻ.

Mất niềm tin vào cuộc sống hôn nhân cũng là một trong những lý do khiến một số cặp đôi sống với nhau theo kiểu già nhân ngãi non vợ chồng. T.T.K.A (36 tuổi) và N.V.T (40 tuổi) quen nhau 6 năm trước, khi một người đã qua 1 lần đò sau một thời gian ngắn kết hôn, người kia bị phản bội. Cảm mến nhau từ sự giới thiệu của bạn bè, sau 1 năm quen biết, cả hai dọn về sống chung. Từng ấy năm trôi qua, họ như một cặp vợ chồng thật sự. Anh T. rất muốn hợp thức hóa quan hệ nhưng chị A. như con chim sợ cành cong sau lần ly hôn trước nên hẹn lần hẹn lữa.

“A. là một phụ nữ chăm sóc gia đình rất tốt, chịu thương chịu khó. Với tôi, cô ấy là một người vợ hoàn hảo. Tôi muốn có con với cô ấy mà ba mẹ tôi cũng mong điều đó vì họ rất quý A. Nhưng A. chưa chịu cưới, lần nào cũng nói chưa sẵn sàng, thích sống như hiện tại. Tôi không muốn vì lý do này mà chia tay vì thực sự rất yêu cô ấy…” – anh T. thở dài tâm sự.

Yêu lâu ngại cưới - Ảnh 1.

Minh họa: KHỀU

Hôn nhân là hạt nhân để tạo lập xã hội

ThS tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng không quá bất ngờ trước tình trạng không ít cặp đôi dù đã yêu nhau sâu đậm một thời gian dài nhưng không muốn cưới nhau, thậm chí bất ngờ chia tay.

“Nguyên nhân có thể xuất phát từ bản thân người trẻ đang yêu phải thực hiện mục tiêu cá nhân: có bằng cấp cao hơn; ổn định kinh tế hay gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền… nên chưa sẵn sàng cho hôn nhân. Cũng có bạn trẻ từ nhỏ đã chứng kiến hoặc trực tiếp sống trong gia đình “thiếu hạnh phúc, thừa bạo hành” khiến họ bị ám ảnh, sợ hãi hôn nhân. Không ít người trẻ có tâm lý không muốn bị ràng buộc, muốn kéo dài thời gian yêu. Thế nhưng, trong quá trình đó lại không tạo được chất kết dính để duy trì mối quan hệ, dẫn đến sự chia tay sau một thời gian dài yêu nhau” – ông Đặng Hoàng An phân tích.

Cũng theo ThS Đặng Hoàng An, thực tế tình yêu đến một giai đoạn nhất định sẽ bước vào sóng gió, mỗi bên sẽ bộc lộ những khuyết điểm, xuất hiện chai sạn về mặt cảm xúc, mất tiếng nói chung… Lúc này cần sự thay đổi và nhìn nhận tích cực vấn đề từ hai phía, vun vén cho tình yêu, luôn “tương kính như tân” để tạo chất keo kết dính tình yêu. Cần xác định đây là một nửa, phần quan trọng mà mình sẽ tiến đến hôn nhân để trước những khó khăn, áp lực thì toàn tâm toàn ý giải quyết. Đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người yêu để có sự bao dung, cảm thông, chia sẻ và quản lý tốt cảm xúc.

Còn theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An, cuộc sống ngày càng áp lực khiến không ít người trẻ ngại kết hôn. Đồng thời, tỉ lệ đổ vỡ hôn nhân cũng tương đối cao khiến người trẻ e dè, thiếu tự tin vào người yêu.

“Khi phải chứng kiến và mường tượng được nhiều bất trắc có thể xảy đến trong cuộc sống hôn nhân, một số bạn trẻ không đủ bản lĩnh cũng như kỹ năng cho cuộc sống hôn nhân nên ngại kết hôn. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của mỗi người, nhất là yêu nhau một thời gian dài lại đổ vỡ sẽ thật khó để tìm kiếm được một người cảm thấy phù hợp hơn sau này” – ông Nguyễn Hải An nói.

Vì thế, theo ông Nguyễn Hải An, mỗi người khi yêu cần cân nhắc kỹ trong việc chọn cho mình bạn đời, sắp xếp thời gian đủ tốt để khi đối mặt với người yêu sẽ không xem họ như gánh nặng. Hơn hết, cuộc sống hôn nhân là hạt nhân để tạo lập xã hội, trong quá trình yêu, cần hiểu rõ mình, chuẩn bị những kỹ năng làm vợ, làm chồng, làm cha mẹ để không quá áp lực về cuộc sống hôn nhân. 

Theo ThS tâm lý Đặng Hoàng An, khi yêu nhau cần sự chân thành và sự tử tế, vì không phải cuộc tình nào cũng chắc chắn kết thúc tốt đẹp. Ngoài ra, tuổi thanh xuân của nữ có giới hạn nhất định.