Chuyện nhiều khách hàng là cá nhân hoặc doanh nghiệp có nhu cầu vay tiền, vay vốn tại các ngân hàng bị buộc chi một khoản không nhỏ để mua các loại hình bảo hiểm, thậm chí bị nhân viên tín dụng của ngân hàng o ép, có dấu hiệu lừa dối khách hàng mua bảo hiểm, không phải là mới hay hiếm mà đã tồn tại dai dẳng nhiều năm qua.

Điều đáng quan tâm là chỉ riêng doanh thu từ việc kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đã lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Suy cho cùng, ngân hàng là một tổ chức tín dụng, một tổ chức doanh nghiệp có tính chất đặc thù trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, đầu tư hay thực hiện chức năng tín dụng, cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn. Do đó, dù hoạt động dưới hình thức nào, ngân hàng phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật hiện hành và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Ngoài yếu tố về lợi nhuận và doanh thu, ngân hàng còn có trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng, đặc biệt là trách nhiệm sẻ chia, thấu hiểu với khó khăn của khách hàng. Không thể vì mục tiêu doanh thu hay mục tiêu lợi nhuận mà “lách luật”, phạm luật để ép buộc những người có nhu cầu vay vốn, nhất là người nghèo, bằng những điều khoản ràng buộc hết sức phi lý, thậm chí thiếu tình người.

Đã đến lúc cần phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người vay vốn, nhất là người nghèo, thông qua những quy định cụ thể của pháp luật. Xử lý nghiêm và mạnh tay hơn đối với những tổ chức tín dụng, ngân hàng có biểu hiện o ép người cần vay tiền, vay vốn bằng những điều khoản vô lý, thiếu đạo đức. Nếu cần thì áp dụng biện pháp xử lý hình sự nhằm răn đe cũng như nâng cao trách nhiệm, sự minh bạch và chấp pháp trong hoạt động cho vay vốn của các hệ thống tổ chức tín dụng, các ngân hàng.