Bạn đọc Mai Trang:

Trị bệnh vứt rác bừa bãi ở chung cư

Các chung cư cao tầng trên địa bàn TP HCM ngày càng tăng khiến lượng rác thải sinh hoạt cũng tăng theo.

Trong khi đó, dù sống ở đô thị, nhiều người lại không học được lối sống công nghiệp. Bất chấp các nội quy, quy tắc ứng xử của chung cư, một số người thản nhiên ném rác từ các tầng cao xuống đường hoặc khu vực giếng trời chung. Chưa kể, có thùng rác cho mỗi tầng nhưng nhiều người không bỏ rác vào thùng mà chất lên nắp thùng, bỏ rác tràn ra xung quanh.

Rõ ràng câu chuyện xử lý rác bảo đảm vệ sinh môi trường ở chung cư là nhu cầu bức thiết của người dân. Vì vậy, với những chung cư cũ, nên sắm thùng rác nhựa lớn có nắp đậy đặt cạnh cầu thang để người dân, hộ gia đình thu gom rác bỏ vào. Nên có 2 thùng rác hoặc thùng có 2 ngăn chứa để phân loại rác thải và bảo đảm thùng rác có mặt 24/24 giờ, thu gom rác thường xuyên.

Điều quan trọng chính là vận động các cư dân tham gia bảo vệ môi trường bằng việc phân loại rác, thu gom đúng nơi quy định. Để ngăn chặn những hành vi thiếu ý thức, xây dựng văn hóa chung cư, địa phương, ban quản lý chung cư cần thường xuyên tuyên truyền, xây dựng nội quy, quy tắc ứng xử chung. Áp dụng các quy định pháp luật để xử lý hành vi xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường công cộng.


Xả rác nhiều quá: Quan tâm rác cồng kềnh, rác ở chung cư - Ảnh 1.

Bãi rác khổng lồ trên đại lộ Phạm Văn Đồng – TP HCMẢnh: Anh Vũ

Bạn đọc Mai Nhung:

Giải quyết bài toán rác thải cồng kềnh

Từ năm 2020, UBND TP HCM đã giao các công ty dịch vụ công ích xây dựng đề án và tổ chức cung ứng dịch vụ thu gom vận chuyển, xây dựng đơn giá và xử lý rác thải cồng kềnh sau khi thu gom. Để người dân tiếp cận được dịch vụ, quận – huyện phải có công bố số điện thoại liên hệ và cách thức thu gom.

Quy định là vậy nhưng thực tế rất ít trường hợp liên hệ với cơ quan chức năng để xử lý loại rác thải này. Một phần do người dân không biết liên hệ ở đâu hoặc chi phí xử lý quá cao; một phần do đơn vị thu gom thiếu trang thiết bị, cơ chế tài chính, nhân lực để thực hiện…

Hiện một số nước trong khu vực đã có những quy định rõ ràng, cụ thể trong lĩnh vực này nhằm giúp người dân tuân thủ nghiêm túc. Ví dụ tại Nhật Bản, người dân muốn bỏ rác kích cỡ lớn phải thông báo trước với địa phương, thanh toán đầy đủ các khoản vận chuyển, xử lý rác cồng kềnh. Còn tại Malaysia, người dân phải phân nhỏ đồ đạc lớn, quá khổ cho vừa thùng rác công cộng…

Để giải quyết bài toán thu gom và xử lý rác thải cồng kềnh, bên cạnh xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, cần có biện pháp căn cơ hơn như tăng số trạm trung chuyển rác, xà bần; xây dựng phương án thu gom và xử lý rác thải cồng kềnh, phân cấp theo từng khu vực. Ngoài ra, tăng cường hoạt động tái chế, tái sử dụng trước khi chuyển đến các địa điểm xử lý. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ cùng các trung tâm hoạt động về môi trường tổ chức những ngày hội thu gom rác, vừa để thu gom hiệu quả vừa nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn.

Để hình thành thói quen và tạo sự tiện lợi cho người dân trong việc xử lý rác thải cồng kềnh, các địa phương cũng sớm bố trí các điểm tập kết gần các khu dân cư; thông báo về cách thức và thời gian, địa điểm thu gom để người dân dễ dàng phối hợp…

Đặc biệt, cần quy định cụ thể và lên lịch việc thu gom rác vào một ngày cố định trong tuần cùng quy định mức đóng rõ ràng, minh bạch.

Cần quy định cụ thể, đồng bộ

Ngày 3-6, tại tọa đàm “Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu Công nghiệp Việt Nam tổ chức, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, như: cần nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện. Cần có quy định cụ thể về mức thu, tỉ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng loại đô thị. Quy định khoản bù trừ đối với trường hợp thất thu. Ngoài ra, có chế tài đối với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt…

N.Hưởng

Vì một TP HCM xanh – sạch – đẹp

Từ ngày 27-5 đến 3-6, Báo Người Lao Động mở diễn đàn “Xả rác nhiều quá” phản ánh tình trạng xả rác tràn lan từ vỉa hè, cây cầu, đường phố đến cống rãnh, sông rạch…; đồng thời mời bạn đọc hiến kế giải pháp xử lý triệt để, hiệu quả tình trạng xả rác bừa bãi.

Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc với nhiều bài viết phân tích thực trạng, nguyên nhân và đưa ra những giải pháp cụ thể. Từ lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh; tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ; có chính sách khen thưởng kịp thời; thậm chí xử lý hình sự đến việc áp dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến, biến rác thành tài nguyên…

Bảo vệ môi trường và hạn chế rác thải là một quá trình dài lâu cần sự chung tay của cả cộng đồng. Ngay bây giờ, TP HCM cần có một chiến lược hành động cụ thể, đưa ra thông điệp mạnh mẽ và nghiêm khắc với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường. Song song đó, kiến nghị sửa đổi các nghị định liên quan môi trường theo hướng thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế; tổ chức bộ máy về kiểm soát ô nhiễm môi trường; có những đột phá ở khâu chính sách…

Với mỗi người dân TP HCM cần xây dựng thói quen tốt, có trách nhiệm với nơi mình sinh sống, làm việc, bắt đầu từ những việc nhỏ, như: hạn chế sử dụng túi ni-lông, không vứt vỏ chai, ống hút nhựa, hộp nhựa bừa bãi, nói không với tờ rơi quảng cáo trên đường…

Vy Thư