Những lao động lớn tuổi, có thâm niên làm việc thường có mức lương tham gia các chế độ chính sách, đóng chế độ bảo hiểm xã hội cao hơn so với những lao động trẻ mới tuyển dụng. Vì vậy cũng sẽ là đối tượng được nhắm đến trước tiên trong phương án cắt giảm nhân sự. Trong khi đó, nhiều người lao động lớn tuổi sẽ rất khó khăn để có thể sớm xin được việc làm mới.

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị cắt giảm nhân sự, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhất là đối với nhóm người lao động lớn tuổi, cơ quan chức năng, các tổ chức Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, Công đoàn cấp trên, Liên đoàn Lao động địa phương cũng như các cơ quan quản lý lao động địa phương cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng doanh nghiệp “bỏ rơi” công nhân, người lao động.

Bảo đảm các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật lao động đúng, đủ và kịp thời như các khoản tiền chi trả trợ cấp do mất việc làm, trợ cấp thôi việc, tiền lương, thưởng, các khoản tiền có tính chất hỗ trợ khác, tiền phép năm. Đặc biệt là việc chốt sổ bảo hiểm xã hội để người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng đúng thời gian quy định.

Cơ quan quản lý lao động, các trung tâm dịch vụ, xúc tiến, giới thiệu việc làm… cần nhanh chóng vào cuộc, xúc tiến giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động, đào tạo lại nghề để người lao động nhanh chóng có được việc làm mới, có thu nhập và ổn định cuộc sống. Đây là cách giúp hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng công nhân, người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, giảm bớt gánh nặng cho quỹ trợ cấp thất nghiệp của bảo hiểm xã hội, bảo đảm nguyên tắc an sinh xã hội đối với người lao động.

Ngoài ra, Nhà nước, Chính phủ cũng như bộ, ngành… cần nghiên cứu, xem xét và có chính sách cũng như văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất – kinh doanh, các doanh nghiệp có sử dụng nhiều công nhân, người lao động lớn tuổi làm việc. Ngoài việc hỗ trợ nguồn kinh phí, chi phí đào tạo hằng năm cho người lao động, cần có thêm các chính sách miễn giảm thuế phí, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất…

Đặc biệt, đã đến lúc cần nghiên cứu và có chính sách cũng như quy định của pháp luật về miễn, giảm chi phí các khoản đóng bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp trong một thời gian nhất định do khó khăn hoặc đối với doanh nghiệp có hàng ngàn lao động, trong đó có sử dụng nhiều lao động lớn tuổi. Đó cũng chính là cách giúp doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp.