Đó là 2 trong số những vụ việc cán bộ bị phát hiện có hành vi cố tình lệch chuẩn tại nơi đáng lẽ họ phải thực hiện rất chuẩn đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật công vụ. Số người khác còn “trong đống rơm” có lẽ đếm phải vượt đầu ngón tay?

Tôi không nghĩ những vị trên có nhu cầu ân ái cao tới mức bất thường nên phải gấp gáp tranh thủ từng phút giây gần gũi. Tuy nhiên, cách mà những người tưởng như nghiêm túc, đạo mạo ấy sẵn sàng “buông rèm mây mưa” tại địa điểm chỉ dùng để ký tá và thực hiện nhiệm vụ thì e khả năng bất chấp của họ ít người sánh kịp.

Dùng chốn “công” để thực hiện việc “tư” là xem nhẹ tổ chức. “Việc tư” ấy lại bất chính là chệch choạc đạo đức, chưa kể quan hệ ngoài luồng là coi nhẹ luật pháp… Bằng ấy những điểm trừ cho một tư cách cán bộ thì hỏi ai còn tin sự chăm chỉ và giỏi chuyên môn (nếu có) sẽ kéo lại được? Khi “hồng và chuyên” – phẩm chất với trình độ – không còn song hành tức là đã hỏng.

Cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định, việc áp nghiêm quy định là chắc chắn. Có điều, với tính cách bất chấp, tư tưởng “mèo mỡ” mọi lúc mọi nơi như vậy thì cách tốt nhất là tự giác xin rời công việc. Đó là sự tự trọng tối thiểu của bất cứ ai ngay từ những ngày đầu bước vào con đường phục vụ nhân dân.

Đó cũng là cách để “làm gương” cho các cán bộ đang che giấu thang điểm đề cao nhiệm vụ, tôn trọng văn hóa tổ chức, lắng nghe dư luận xã hội của chính họ.

Hoặc trước mắt, có một chế tài đặc biệt cho hành vi biến nơi làm việc thành phòng the chẳng hạn, vì nó vượt sức tưởng tượng của nhiều người.