Đọc thông tin trên Báo Người Lao Động mấy ngày qua, tôi nhận thấy bản quyền trên Youtube ngày càng trở thành vấn đề căng thẳng. Đặc biệt, câu chuyện YouTube “phân biệt đối xử” với một số tác phẩm sân khấu cải lương thu về nhiều ý kiến trái chiều. 

Như Báo Người Lao Động phản ánh, một số tác giả khai thác âm nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ thuật cải lương trong tác phẩm sân khấu mới. Khi đưa lên, YouTube không chấp nhận với lý do vi phạm bản quyền.

Pháp luật hiện hành lý giải cải lương là tác phẩm thể hiện dưới một trong hai loại hình, gồm: tác phẩm sân khẩu hoặc tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Trong đó, tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian không có tác giả hoặc đồng tác giả. Đó là “Sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng; thể hiện tương xứng đặc điểm văn hóa và xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác” (Khoản 1, Điều 23, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009).

Ở nước ta, tác phẩm sân khấu có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo, tính từ năm tác giả qua đời. Nếu tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50, sau năm đồng tác giả cuối cùng qua đời. Trái lại, luật chưa đề cập đến thời gian bảo hộ đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. Tác phẩm phái sinh vẫn được đăng ký bảo hộ như các tác phẩm bình thường. Như vậy, những vở cải lương có lời mới là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc, thể hiện lại theo hình thức cải biên. Ngoài ra, pháp luật còn nêu rõ cá nhân, tổ chức làm tác phẩm phái sinh phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, những quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, trường hợp tác phẩm gốc vượt quá thời hạn bảo hộ thì tác phẩm trở thành tác phẩm công chúng và tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng tác phẩm này.

Bên cạnh việc đàm phán với YouTube về chính sách bản quyền liên quan đến tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, tôi cho rằng nhà chức trách trong nước cần xem xét những quy định pháp luật liên quan. Đây là cơ sở vững chắc bảo vệ quyền lợi những tác giả, nghệ sĩ có tác phẩm phái sinh đúng luật định. Hiện Luật Sở hữu trí tuệ và mọi văn bản hướng dẫn thi hành chỉ liệt kê những dạng tác phẩm thuộc tác phẩm phái sinh. Luật không định nghĩa cụ thể về tác phẩm phái sinh. Việc liệt kê có thể chỉ đúng, đủ tại thời điểm ban hành pháp luật, có thể sẽ thiếu vào thời gian sau đó. Do đó, pháp luật cần xây dựng khái niệm tác phẩm phái sinh một cách chi tiết, thực tế.