Sáng 16-2, Báo Người Lao Động tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Hương vị Tết” năm 2023 cho 9 tác phẩm đoạt giải. Tham dự có ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM; ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM); bà Nguyễn Lê Vân, Phó trưởng Phòng Báo chí (Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM); nhà báo Tô Đình Tuân – Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đại diện các đơn vị đồng hành cùng các tác giả đoạt giải.

Bất ngờ và hạnh phúc

Cầm trên tay bó hoa chúc mừng cùng bằng chứng nhận nhưng tác giả Nguyễn Thị Như Hiền vẫn chưa thể tin mình đã đoạt giải nhất cuộc thi với tác phẩm “Mong mỗi mùa xuân đều được thấy ba đổ bánh xèo”.

“Mỗi cuộc thi viết do Báo Người Lao Động tổ chức đều có độ lan tỏa lớn trong giới bạn viết. Nhờ đồng nghiệp động viên nên tôi mới dám quyết định thử sức ở cuộc thi “Hương vị Tết”. Tôi đã đọc hầu hết tác phẩm dự thi được đăng trên Báo Người Lao Động điện tử. Bài nào cũng hay và ý nghĩa. Tôi thực sự bất ngờ và hạnh phúc khi tác phẩm của mình đã may mắn đoạt giải cao nhất” – tác giả Như Hiền chia sẻ.

Điều đặc biệt là tác phẩm của Như Hiền không phải viết về món ăn của chính gia đình chị, mà là viết về món ăn quen thuộc trong ngày Tết của gia đình người bạn. Tác giả tiết lộ: “Khi bài viết được đăng, bạn tôi đã đọc cho ba của mình nghe. Ông ấy xúc động khi món bánh xèo vỏ bình dị ở quê nhà lại được lan tỏa, chia sẻ. Điều hạnh phúc nhất của tôi là đã lưu giữ được ký ức của gia đình bạn tôi qua những dòng viết của mình”.

TRAO GIẢI CUỘC THI HƯƠNG VỊ TẾT NĂM 2023: Đậm đà tình thân - Ảnh 1.

Tác giả Thiều Nguyễn Vĩ Dạ bày tỏ cảm xúc tại lễ trao giải cuộc thi “Hương vị Tết” do Báo Người Lao Động tổ chức Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Từ tỉnh Đắk Lắk, tác giả Thiều Nguyễn Vĩ Dạ (giải ba) đã vượt hàng trăm cây số để có mặt tại TP HCM dự lễ trao giải cuộc thi. Vĩ Dạ năm nay mới 12 tuổi, học lớp 6. Em là tác giả nhỏ tuổi nhất tham dự cuộc thi. “Trong một lần lên mạng tìm tài liệu học tập, em vô tình thấy thông tin cuộc thi và liền lên ý tưởng để viết bài. Em nhớ đến món thịt giả cầy của ngoại và đã viết về món ăn này. Ngoại cũng chính là người đã truyền cảm hứng cho em viết văn và làm thơ” – Vĩ Dạ tiết lộ.

Tại lễ trao giải, các đại biểu đều ngỡ ngàng khi được xem bài dự thi mà Vĩ Dạ gửi về cho Ban Tổ chức. Bài dự thi được em viết tay với nét chữ mềm mại, uyển chuyển. Em còn chu đáo trang trí cho bài dự thi của mình với những nét vẽ sinh động. Cũng tại buổi lễ, Vĩ Dạ đã hát tặng các đại biểu tham dự ca khúc “Nắng có còn xuân”.

“Mặc dù tham dự lễ trao giải qua hình thức trực tuyến nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp, hạnh phúc. Tôi là bạn đọc trung thành của Báo Người Lao Động và đã tham gia hầu hết các cuộc thi do báo tổ chức. Mỗi khi bài dự thi được đăng là tôi cảm thấy vui sướng, vinh hạnh. Vì khi đó, bài viết của tôi đã được ghi nhận và hơn hết là những câu chuyện đẹp trong bài viết có cơ hội được lan tỏa đến nhiều người” – tác giả Nguyễn Văn Công (TP Hà Nội) bộc bạch.

Còn với tác giả Thanh Loan (giải ba) thì “Hương vị Tết” được gợi lên từ câu chuyện của ba chồng và những người bạn cao niên của ông đã cùng nhau giữ gìn bếp Việt ở nơi xa xứ trong suốt 43 năm qua. Trong khi đó, tác giả Nguyễn Thắm (giải ba) cho biết: “Khi thấy Báo Người Lao Động phát động cuộc thi “Hương vị Tết”, tôi nghĩ ngay đến căn bếp của mẹ tôi. Một căn bếp củi từ thời xưa được giữ lại cho đến hiện tại. Việc giữ lại căn bếp cũng là giữ lại những kỷ niệm cho gia đình”.

Với những người con xa xứ như tác giả Vân Thanh (định cư ở Pháp, giải nhì), hương vị Tết lại càng thêm đáng quý và trân trọng. “Xà bần – chỉ là một món ăn truyền thống ngày Tết của gia đình nhưng mấy năm rồi tôi tìm không ra trên đất Pháp. Ba năm qua tôi đều ăn Tết xa nhà, cũng là 3 năm tôi gửi những nhớ nhung quê hương qua từng trang viết đến với các cuộc thi viết về ngày Tết của Báo Người Lao Động. Bài viết được đăng tôi rất vui, đơn giản vì được nói lên những nỗi niềm của mình” – tác giả Vân Thanh tâm sự.

Giá trị lan tỏa cao

Phát biểu tổng kết cuộc thi, ông Nguyễn Tố Bình – Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Người Lao Động – cho biết sau 22 ngày phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 285 tác phẩm dự thi của 223 tác giả trong và ngoài nước. Từ ngày 16-1 đến 5-2, đã có 43 tác phẩm gồm các bài viết, video clip, loạt ảnh dự thi được chọn đăng trên Báo Người Lao Động điện tử. Sau nhiều vòng tuyển chọn, chấm giải, Ban Giám khảo đã chọn ra 9 tác phẩm để trao các giải nhất, nhì, ba; giải clip/video được nhiều người xem, chia sẻ; giải bài dự thi được nhiều người xem, chia sẻ.

“Nhìn chung, nội dung các tác phẩm khá đa dạng như giới thiệu các món ăn gắn với kỷ niệm ngày Tết; phong vị, nét đẹp của Tết cổ truyền; sự đầm ấm sum vầy của các gia đình; sự đùm bọc, sẻ chia của người dân với nhau trong ngày Tết. Nhiều bạn đọc ở nước ngoài không có điều kiện về nước ăn Tết cũng gửi các bài viết thể hiện tình cảm thương nhớ, ký ức Tết xưa bên gia đình và mong mỏi ngày đoàn tụ không xa” – ông Nguyễn Tố Bình nêu.

TRAO GIẢI CUỘC THI HƯƠNG VỊ TẾT NĂM 2023: Đậm đà tình thân - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tố Bình – Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Người Lao Động (giữa) – trao giải bài dự thi được nhiều người xem, chia sẻ cho tác giả An Phương (bìa phải) và tác giả Huyền Nga (bìa trái) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cũng theo ông Nguyễn Tố Bình, mỗi tác phẩm là một câu chuyện mà bạn đọc ghi nhận được qua cuộc sống sinh hoạt, làm việc hằng ngày; muốn gửi gắm vào đó tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình. Đặc biệt, những bức tranh Tết đa sắc màu, phong cảnh thiên nhiên, phong vị Tết xưa, những câu chuyện hay ngày Tết…, được phản ánh sinh động qua góc nhìn rất riêng, độc đáo của từng tác giả.

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng Phòng Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM), đánh giá “Hương vị Tết” là cuộc thi nhân văn, ý nghĩa và có giá trị lan tỏa rất cao. “Các tác giả đã kể lại những câu chuyện tình cảm, ý nghĩa, mang giá trị văn hóa và nhân văn. Mặc dù đó là những câu chuyện có thể rất riêng nhưng đã giúp cho người đọc lắng đọng lại tình cảm sâu sắc và trở thành những giá trị chung” – ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Minh Hải, cuộc thi “Hương vị Tết” cùng với các cuộc thi lớn mà Báo Người Lao Động đã và đang tổ chức rất thành công đã đem đến cho công chúng báo chí những ý tưởng, gợi mở về rất nhiều vấn đề trong đời sống xã hội. “Tất cả những câu chuyện trong cuộc thi “Hương vị Tết” đều gắn với tình thân gia đình. Đó là những hình ảnh rất gần gũi, thân thuộc trong những ngày Tết, khi chúng ta tạm gác lại những trăn trở, lo toan của cuộc sống thường ngày để sum họp với gia đình. Ở đó có những vòng tay thân thiết, âu yếm của cha mẹ, anh chị em và chúng ta cùng lắng đọng lại với những món ăn ngày Tết rất gần gũi, bình dị” – ông Nguyễn Minh Hải nói.

Kết quả cuộc thi “Hương vị Tết” năm 2023

– Giải nhất: Tác giả Nguyễn Thị Như Hiền (TP HCM) với tác phẩm “Mong mỗi mùa xuân đều được thấy ba đổ bánh xèo”.

– Giải nhì:

+ Tác giả Vân Thanh (định cư ở Pháp) với tác phẩm “Tết trên đất Pháp, nhớ món xà bần”.

+ Tác giả Bùi Ngọc Diêu (Tây Ninh) với tác phẩm “Gõ bánh phục linh, nhớ ngoại”.

– Giải ba:

+ Tác giả Thanh Loan (định cư ở Canada) với tác phẩm “43 nồi bánh chưng “Liên Hợp Quốc””.

+ Tác giả Nguyễn Thắm (Đồng Nai) với tác phẩm “Nơi đong đầy nỗi niềm riêng của mẹ”.

+ Tác giả Thiều Nguyễn Vĩ Dạ (Đắk Lắk) với tác phẩm “Tết sắp tới, nhớ món thịt giả cầy của bà ngoại”.

– Giải bài dự thi được nhiều người xem, chia sẻ:

+ Tác giả An Phương (TP HCM) với tác phẩm “Cá trắm kho riềng của chị chồng”.

+ Tác giả Huyền Nga (TP HCM) với tác phẩm “Mặn mòi món sườn muối cám”.

– Giải clip/video được nhiều người xem, chia sẻ:

+ Tác giả Nguyễn Văn Công (Hà Nội) với tác phẩm “Thấy bánh chưng là thấy Tết về!”.

Bên cạnh tiền thưởng đã được công bố từ trước, tại lễ trao giải, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã quyết định tặng mỗi tác giả đoạt giải cuộc thi “Hương vị Tết” một năm đọc báo miễn phí tại chuyên mục “Dành cho bạn đọc VIP” trên Báo Người Lao Động điện tử.

Báo Người Lao Động trân trọng cảm ơn Công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty Cổ phần Hàng Tiêu dùng Masan đã đồng hành với cuộc thi “Hương vị Tết” năm 2023.