Sau loạt bài “Ô nhiễm tiếng ồn: Không thể bó tay” đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 8 và 9-1, nhiều bạn đọc lại tiếp tục “kêu cứu” về chuyện này, khi đã vào những ngày cuối năm.

“Xất bất xang bang” vì tiếng ồn

Phản hồi dưới bài viết, bạn đọc Trinh cho biết bị tiếng ồn “tra tấn” đủ 2 ngày cuối tuần, đôi khi thêm vài ngày trong tuần, đinh tai nhức óc không chịu nổi.

“Nhà tôi sát vách Khu Chế xuất Tân Thuận, chịu đủ loại âm thanh hỗn tạp từ tiếng loa rao của xe hàng rong, xe tải chạy bóp còi inh ỏi đến quán nhậu, karaoke ầm ĩ chĩa thẳng loa sang khu dân cư. Chúng tôi quá lao đao, khốn khổ với tiếng ồn, nhiều người đã bị stress, phát bệnh tim mạch, rất mong sự trợ giúp từ chính quyền” – bạn đọc Trinh mong mỏi.

Theo bạn đọc An Phạm, chợ truyền thống là môi trường “ồn ào số 1”. Loa điện tử phát tiếng rao hàng lặp đi lặp lại từ sáng đến chiều. Quầy hàng này cạnh tranh quầy hàng kia bằng cách mở loa công suất lớn. 

Tiếng loa rao lặp đi lặp lại một nội dung, liên tục nhồi vào đầu là một sự tra tấn. Bạn đọc Nguyễn Long thì phản ánh tiếng ồn ở các cửa hàng quần áo, điện máy diễn ra hầu như quanh năm suốt tháng.

Nhiều bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng hãy một lần ghé qua khu phố Bùi Viện (quận 1, TP HCM) để chứng kiến các quán bar mở nhạc đến tận 3-4 giờ sáng. 

Tại Công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, phường 9, quận Phú Nhuận), loa điện tử “Bắp rang bơ 15.000 đồng/gói” ra rả suốt ngày. 

Đoạn đường Phạm Văn Đồng (phường 1, quận Gò Vấp) có các quán bia club ngoài trời mở nhạc sàn hết công suất. 

Khu vực vòng xoay Lê Đại Hành đến tận hơn 23 giờ vẫn ca nhạc ồn ào. Đường Tân Thới Nhất (quận 12) có điểm tập gym mở loa ầm ĩ từ 5 giờ 30 phút đến chiều tối, nhiều năm nay không ai xử lý…

Không ít bạn đọc bức xúc khi sống trong khu dân cư mà có gia đình hát karaoke từ 13 giờ đến 19 giờ bằng loa thùng, cách xa hơn 600 m vẫn nghe ồn. Có trường hợp xung quanh nhà, hôm nay gia đình này hát, hôm sau thì gia đình kia hát, có hôm cả mấy nhà cùng hát, từ trưa đến tận 23 giờ.

“Chúng tôi là người lao động, cần lắm giờ giấc nghỉ ngơi. Đó là quyền chính đáng cần được pháp luật và chính quyền bảo vệ” – bạn đọc Trang bày tỏ.

TP HCM: Nhiều người vẫn khốn khổ vì tiếng ồn - Ảnh 1.

Loa “kẹo kéo” ở chợ Nhật Tảo (quận 10, TP HCM) đắt hàng vào dịp cuối năm. Ảnh: Ý LINH

Mong xử lý dứt điểm

Ghi nhận những ngày cuối năm tại khu chợ điện máy nổi tiếng ở TP HCM – chợ Nhật Tảo (quận 10) – cho thấy lượng người đổ về tìm mua loa “kẹo kéo” ngày càng tăng. Chị Lê Thị Thảo, chủ một cửa hàng kinh doanh loa điện tử trong chợ Nhật Tảo, cho biết cuối năm là thời gian thiết bị âm thanh này bán chạy nhất.

“Hôm qua, tôi bán 9 loa trong một ngày. Khách hàng chủ yếu mua về để vui Tết. Năm nay, nhiều người không về quê nên hàng bán chạy hơn. Giá trung bình từ vài trăm đến gần chục triệu đồng một loa” – chị Thảo cho biết. Theo chị Thảo, những chiếc loa được ưa chuộng ở cửa hàng của chị có công suất từ 300 – 400 W, khi mở hết công suất có thể vang đến 500 m.

Với chị Nguyễn Hải Yến (TP Thủ Đức), loại thiết bị âm thanh này là “chuyên phá làng phá xóm”. “Nhà tôi gần một khu trọ công nhân. 

Mỗi cuối tuần, cả xóm đều bị tra tấn bởi những bản nhạc remix chát chúa cùng với tiếng hát “khủng bố” từ khu này. 

Màn “tra tấn” càng khủng khiếp hơn trong những ngày cuối năm khi họ tranh thủ tụ tập ăn nhậu, ca hát trước khi nghỉ Tết về quê. 

Hễ thấy có thêm mấy chiếc xe máy lạ đậu quanh dãy trọ là y như rằng hôm đó cả xóm sẽ “xất bất xang bang” vì tiếng karaoke ồn ã cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi báo với công an phường, họ ghi nhận thông tin xong rồi cũng vẫn không có gì thay đổi” – chị Yến kể.

Anh Phan Thắng (ngụ quận Gò Vấp) cho biết cứ đến 15-16 giờ, các “bar vỉa hè” dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp và TP Thủ Đức) lại mở nhạc “đề pa”. Đến 19 giờ, nhạc bắt đầu mở lớn hơn và cứ xập xình như vậy đến 2-3 giờ sáng.

“Hết đợt cao điểm xử lý này đến đợt cao điểm xử lý khác nhưng tình trạng này không thể dẹp. Bằng cảm quan cũng có thể biết được mức độ ô nhiễm tiếng ồn của các quán này, chưa cần đến đơn vị độc lập hỗ trợ đo đạc. Nếu muốn xử lý, cán bộ cứ đi thực tế. 

Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo nhiều lần nhưng cần chính quyền địa phương quyết liệt xử lý thì mới mong chấm dứt. Không thể mong chờ vào cam kết hay ý thức tự giác khi nhiều năm qua, chuyện này không giải quyết được” – anh Thắng nhìn nhận.

Bạn đọc Võ Anh Tú cho rằng cần phải xem ô nhiễm tiếng ồn không phải là chuyện nhỏ mà là chuyện ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh, trật tự và sức khỏe của người dân để có giải pháp cụ thể, quyết liệt nhằm xử lý rốt ráo. 

Địa phương cần phân công đơn vị phụ trách, chịu trách nhiệm rồi cho số điện thoại có Zalo để người dân gọi và gửi video đến. Căn cứ vào đó, cơ quan chức năng gần như có đầy đủ thông tin, chứng cứ để xử lý.

Bạn đọc Lê Thanh Hùng kiến nghị giao trưởng công an phường kiểm tra, xử lý tiếng ồn. Phường nào quản phường đó, để xảy ra vi phạm thì lãnh đạo phường chịu trách nhiệm. 

Nghiên cứu giải pháp xử lý hiệu quả tiếng ồn

Mới đây, UBND TP HCM đã có văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức, chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về tiếng ồn.

Theo UBND TP HCM, thời gian qua, tình trạng cố tình gây tiếng ồn trong các hoạt động sản xuất – kinh doanh và tại cộng đồng dân cư diễn ra tràn lan, phổ biến.

Việc này đã trở thành vấn đề nan giải trong đô thị, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự và công tác phòng chống dịch bệnh, môi trường đô thị, chất lượng sống của người dân.

UBND TP HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể; UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý nghiêm nhóm hành vi vi phạm liên quan tiếng ồn.

Ở địa phương, cấp huyện, cấp xã nào để xảy ra vi phạm về tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch bệnh hoặc an ninh, trật tự thì tiến hành xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức.

UBND TP HCM cũng giao các cơ quan chức năng (các sở: Tư pháp, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế) phối hợp nghiên cứu, đề xuất những giải pháp xử lý hiệu quả hơn nữa vi phạm về tiếng ồn.