Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trong đó có đề xuất suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Cũng theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, đề xuất này được tham khảo từ công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Mục đích nhằm tăng khả năng nhận biết cảnh báo cho người điều khiển phương tiện nhằm kéo giảm tai nạn giao thông đối với người sử dụng xe máy.

Lập luận cho đề xuất phải bật đèn xe mỗi khi ra đường, có ý kiến cho rằng đã có những nước áp dụng thành công, giảm tai nạn giao thông, đặc biệt là một số quốc gia châu Âu. Hơn nữa, đèn chiếu sáng cũ trước đây sản sinh nhiệt lớn có thể gây ảnh hưởng tới môi trường, hiện các phương tiện đã được thay thế bằng đèn LED nên ít tốn nhiên liệu, không sản sinh nhiệt nhiều nên yếu tố môi trường không đáng kể… Tuy nhiên, đề xuất quy định xe máy bật đèn ban ngày cũng vấp phải nhiều phản ứng bởi ở Việt Nam, phần lớn phương tiện tham gia giao thông là xe máy. Mặt đường giao thông hẹp, không gian chật chội, hàng triệu xe máy đều bật đèn sáng lóa ban ngày rất dễ gây ức chế, nhất là lúc ùn tắc hay kẹt xe. Với khí hậu nhiệt đới, ánh sáng vốn đã dư thừa, nếu có quy định bật đèn cho xe máy lưu thông ban ngày chỉ nên thực hiện ở những khu vực thường xuất hiện sương mù như Sa Pa và vùng núi ở Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Giang…

Nên chăng, chỉ có thể áp dụng bật đèn ban ngày cho xe máy khi qua khu vực thiếu ánh sáng như hầm chui hoặc xe được quyền ưu tiên như chữa cháy, cứu thương, quân sự, ngoại giao… Không nên áp dụng đại trà, nhất là ở khu vực có nắng và ánh sáng, tránh lãng phí một cách vô ích.

Hơn nữa, xảy ra nhiều tai nạn giao thông ở Việt Nam là do ý thức không biết nhường đường, lái xe khi đã uống rượu bia, chạy nhanh, vượt ẩu, lạng lách, nhà ở và cửa hàng kinh doanh buôn bán sát mặt đường. Còn ùn tắc giao thông, kẹt xe tại các thành phố lớn do tầm nhìn quy hoạch và quản lý đô thị còn yếu kém, hạ tầng giao thông đã xuống cấp và quá tải, phương tiện vận tải công cộng chuyên chở số đông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại…

Vì vậy, thay vì đề xuất buộc xe lưu thông ban ngày bật đèn thì nên nghiên cứu áp dụng giải pháp phù hợp thực tế như tuyên truyền ý thức tham gia giao thông, bật đèn xi nhan để cảnh báo khi chuyển hướng, phát triển vận tải hành khách công cộng thuận tiện, CSGT thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ. Ở khu vực đô thị thì mở rộng đường, giãn dân cư nội thành bằng cách đầu tư ở ngoại thành, hạn chế xây chung cư, cao ốc sát mặt đường…