Lộ trình phục hồi của đầu tàu kinh tế TP HCM sẽ được tiếp thêm động lực dựa vào sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số.

Củng cố nền kinh tế tuần hoàn

Số hóa là công cụ quan trọng để củng cố nền kinh tế tuần hoàn. Ở chiều ngược lại, các nguyên tắc tuần hoàn cũng cần phải được coi là trọng tâm của số hóa mà thành phố hướng tới.

Đại dịch COVID-19 hay các tác động khủng khiếp từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang khiến thế giới phải nghiêm túc nhìn nhận lại mô hình sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế. Nhu cầu cắt giảm phát thải, tăng cường sức chống chịu để hướng tới phát triển bền vững đang đặt ra một cách cấp thiết hơn bao giờ hết, TP HCM cũng không nằm ngoài guồng quay đó.

Với dân số “vàng”, trong đó gần 56% người dân dưới 35 tuổi; sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp thu nhập trung bình tạo cơ sở cho tiêu dùng nội thị đối với dịch vụ và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn cho thành phố. Hơn nữa, tầng lớp trung lưu trẻ luôn sẵn sàng đón nhận các xu hướng mới như số hóa và tính bền vững. Điều này có thể sẽ đem lại cơ hội đầu tư mới vào các dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng và các sản phẩm “xanh”. Các thành tựu công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), in 3D hay công nghệ chuỗi khối (blockchain) chính là “công nghệ bắc cầu” để thực hiện chuyển đổi số đồng thời tuần hoàn hóa nền kinh tế.

Thúc đẩy số hóa để phát triển bền vững - Ảnh 1.

TP HCM cần thúc đẩy số hóa để phát triển bền vữngẢnh: Hoàng Triều

Đầu tư nhiều hơn cho chuyển đổi số

TP HCM đặt ra tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, thành phố trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tỉ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%. Tỉ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.

Để đạt những mục tiêu này, đương nhiên phải đẩy mạnh chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là thời kỳ dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh. Sáng tạo công nghệ là câu chuyện toàn cầu còn ứng dụng là câu chuyện dám hay không dám ứng dụng của địa phương, lãnh đạo địa phương.

TP HCM nên chi tiêu nhiều hơn cho chuyển đổi số. Các quốc gia đều chi mức 1% ngân sách cho công nghệ thông tin. Ví dụ như Hàn Quốc đứng đầu về Chính phủ điện tử và chi 2% ngân sách cho công nghệ thông tin. Hiện TP HCM chi khoảng 0,4% ngân sách, một con số rất thấp so với yêu cầu thực tế đề ra.

Nhìn ra các nước láng giềng để học tập, có 4 bài học quan trọng rút ra từ cuộc chuyển đổi số của Singapore mà TP HCM cần đặc biệt chú ý.

Thứ nhất, dữ liệu phải đồng bộ, chuẩn hóa và chia sẻ giữa các cơ quan. Chất lượng dữ liệu phải được bảo đảm để cải thiện dịch vụ, phân bổ nguồn lực hợp lý.

Thứ hai, cần tích hợp nhiều dịch vụ vào một cổng thông tin để đẩy nhanh quá trình làm việc, tạo thuận lợi cho người dân.

Thứ ba, thông điệp chuyển đổi số phải được truyền đạt đến cộng đồng một cách rõ ràng, đồng nhất.

Cuối cùng, mục đích của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là tạo ra dịch vụ. Để đổi mới cần có con người rồi mới đến quy trình thủ tục, tất cả phải dễ dàng cho người dân, doanh nghiệp.

TP HCM có nhiều nét tương đồng với Singapore, có thể học hỏi để rút ngắn quãng đường chuyển đổi số một cách phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất.

Hiện có gần 1.000 đơn vị trên địa bàn thành phố, bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp… đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục – đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.

Ngoài ra, thành phố nên kích hoạt đầu tư công theo hướng giảm thiểu phân tán. Mặc dù so với trước đại dịch COVID-19 tỉ lệ giải ngân đầu tư công không cao như các năm trước nhưng các dự án được giải ngân đáng kể đều là dự án quy mô lớn, ảnh hưởng đến cả tổng cung, tổng cầu và cân đối của cả nền kinh tế thành phố. Khi bảo đảm được sự giảm thiểu phân tán trong đầu tư công thì sẽ tạo tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

TP HCM cũng cần tập trung cao độ việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng, hàm lượng giá trị gia tăng trong công nghiệp. 

Đẩy mạnh tích hợp kho dữ liệu dùng chung

Về kinh tế số, TP HCM tập trung vào 10 lĩnh vực trọng tâm, gồm: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, năng lượng và đào tạo nhân lực. Thành phố đẩy mạnh tích hợp kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở. Đây là kênh thông tin chia sẻ tài nguyên dữ liệu giúp người dân sử dụng phục vụ đời sống kinh doanh.