Khi Báo Người Lao Động đăng bài viết “TÔI LÊN TIẾNG: Ức lắm rồi, tôi không muốn bị tra tấn nữa!”, chỉ trong thời gian ngắn đã nhận rất nhiều phản hồi từ bạn đọc. Đa số bạn đọc đồng tình với phản ánh về hiện tượng các thuê bao nhận quá nhiều những cuộc gọi chào mời mua bất động sản, chơi chứng khoán, giới thiệu việc nhẹ lương cao… trong khi họ không có nhu cầu và còn rất nhiều việc phải làm.

Việc bị quấy rầy, tra tấn bởi các loại cuộc gọi chào mời như thế gây rất nhiều phiền toái, thậm chí tai nạn nếu người nghe lầm tưởng cuộc gọi quan trọng mà dừng vội xe trên đường.

Thất vọng vì các biện pháp xử lý cuộc gọi/tin nhắn rác - Ảnh 1.

Nhiều bạn đọc thất vọng vì các biện pháp xử lý cuộc gọi/tin nhắn rác hiện nay

Độc giả có nick name Ba Râu thừa nhận bị gọi hầu như hàng ngày, nhất là dịp cuối năm. Từ đó, bạn đọc Ba Râu mong các cơ quan chức năng vào cuộc nghiêm trị tình trạng này. Đồng tình, bạn đọc A.Trung cho rằng chỉ cần  nhà mạng làm quyết liệt thì sẽ chặn được cuộc gọi rác.  Các nhà mạng cần quan tâm và có trách nhiệm với khách hàng hơn.

Trước thông tin các nhà mạng công bố đã ngăn chặn hơn 26.000 thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác trong những tháng đầu năm 2022, bạn đọc Cucoi nhận xét: “Mấy anh có trách nhiểm cứ đọc vanh vách chặn được 26.000 thuê bao… Nhưng nói thẳng để báo cáo thành tích là chính, còn thực tế bọn tội phạm này có mấy ai bị xử lý đâu? Nó còn phát triển rầm rộ hơn sau khi có báo cáo của mấy anh. Ngay bản thân tôi và nhiều người dân giờ không dám nghe điện thoại của số lạ, cũng chẳng biết đâu là số của công việc thực sự và số điện thoại ma…”.
Nhiều bạn đọc tỏ ra thất vọng vì các biện pháp xử lý cuộc gọi/tin nhắn rác hiện nay, ”chặn số này, họ lại dùng số khác. Cứ nghe …chào anh em là… thì cúp máy cho nhanh”.

Bạn đọc Nguyễn Văn Thế nêu nghi vấn: “Vấn đề to nhất ở đây là khả năng nhân viên nhà mạng bán thông tin cho những công ty chào mời. Số điện thoại cá nhân là bảo mật nhưng khi gọi tới nói đúng tên, đúng địa chỉ, hỏi ngược lại tại sao biết số mình thì tắt máy ngang”. Từ dẫn chứng trên, bạn đọc Nguyễn Văn Thế khẳng định muốn dập được việc này cần thanh tra toàn diện các nhà mạng trước.
Bạn đọc Thanhvoba@ thất vọng vì khi phản ánh với tổng đài 5656 (báo tin cuộc gọi/tin nhắn rác) gần như không hiệu quả.

 “Tôi phản ánh nhiều nhất là một công ty bảo hiểm nhân thọ luôn quấy rầy… mà có thấy được gì đâu, thậm chí họ còn gọi nhiều hơn nữa, hầu như trong 1 tuần ngày nào cũng có. Có khi 1 ngày vài cuộc gọi từ công ty này. Nghe riết mà từ muốn mua bảo hiểm thành xa lánh bảo hiểm luôn là hiểu rồi” – bạn đọc này bức xúc.

Bạn đọc Son khẳng định trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Bộ nào quản lý thì phải ra tay dẹp ngay trước khi quá muộn. “Họ gọi bất chấp nửa đêm hay trưa nắng. Bất kể trời bão hay trời tạnh. Phải có chỗ bán thông tin chớ không phải ai cũng biết số từng người dân mà gọi”.

Gây sốc để mời chào

Bạn đọc Bình dẫn một trải nghiệm hú vía. Theo đó, đang ngồi họp anh nhận được cuộc gọi, đầu dây bên kia một giọng nữ khá nghiêm “A lô… có phải là phụ huynh của bé N. không ạ?”. Giật mình vì tưởng con có chuyện gì ở trường học, anh Bình hấp tấp rời phòng họp ra ngoài nói chuyện.

Sau khi xác nhận mình đúng là phụ huynh của bé N., giọng nữ bắt đầu ngọt ngào: “Vâng, em ở bên công ty bảo hiểm… em muốn giới thiệu tới gia đình gói bảo hiểm cho bé và gia đình…”…

Anh Bình cho hay sau giây phút hồi hộp thì muốn… nổi điên. Theo anh, đó là chiêu trò ép người khác nghe giới thiệu gói dịch vụ một cách cách khá bất nhẫn. “Họ làm bất cứ ai cũng phải thót tim. Tôi rất bực bội” – nam phụ huynh cho biết.