Có một thực tế hiện nay, trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh, nhiều doanh nghiệp rất ngại, thậm chí là “sợ” bị thanh tra, kiểm tra thuế. Bởi tâm lý khi bị thanh tra hay kiểm tra về chính sách thuế, chế độ sổ sách, kế toán thì ít nhiều cũng có những vi phạm hoặc sai phạm. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải chuẩn bị đầy đủ các chứng từ, hồ sơ, sổ sách kế toán theo yêu cầu của cơ quan thuế và phải giải trình trong quá trình làm việc trực tiếp với đoàn kiểm tra. Thời gian thanh tra, kiểm tra thuế kéo dài, có khi nhiều tuần liền… Đáng nói hơn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, hoạt động công vụ về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, một số cán bộ, công chức có thẩm quyền đã bị đồng tiền làm tha hóa, biến chất, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “đòi ăn chia”, gây sức ép đối với doanh nghiệp sau khi “vạch lá tìm sâu”, chỉ ra những vi phạm.

Ai cũng biết thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Hành vi của một số cán bộ, công chức ngành thuế có chức vụ, quyền hạn cao “nhận hối lộ”, “đi đêm” với doanh nghiệp, tiếp tay cho sai phạm, vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, trong đó có hành vi trốn thuế, không chỉ làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước, thiếu công bằng đối với những doanh nghiệp kinh doanh, làm ăn chân chính, mà còn làm suy giảm niềm tin trong nhân dân.

Cần mạnh tay loại bỏ những “con sâu” trong ngành thuế, loại bỏ những cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn bị tha hóa, biến chất. Ngoài ra, việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức vào những chức vụ, vị trí quan trọng trong ngành thuế cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đúng quy trình. Ngoài khả năng chuyên môn nghiệp vụ cao, người cán bộ, công chức ngành thuế phải là những cán bộ ưu tú, mẫu mực, có đầy đủ phẩm chất và năng lực.