Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa đề nghị Bộ Nội vụ cho phép tỉnh này được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc sở. So với quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu các sở, cơ quan ngang sở thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa không vượt quá 57 (bình quân mỗi sở có 3 phó giám đốc) thì trung bình mỗi sở được tăng thêm… non nửa phó giám đốc.

Thanh Hóa xin thêm mỗi sở non nửa cấp phó, rồi sao nữa? - Ảnh 1.

Tỉnh Thanh Hóa vừa đề xuất tăng số lượng phó giám đốc sở

Người đứng đầu chính quyền tỉnh, ông Đỗ Minh Tuấn, dẫn các căn cứ cho thấy tính đặc thù của địa phương, ngoài ra, một lý do quan trọng nữa để tăng cấp phó, đó là “trong công tác quy hoạch cán bộ, lớp cán bộ trẻ hiện nay là những người có năng lực, được đào tạo bài bản, đã có đủ thời gian công tác để tích lũy kinh nghiệm, rất cần được phát huy tư duy làm việc sáng tạo, khoa học, tạo ra những đột phá lớn trong tổ chức, điều hành thực hiện nhiệm vụ”. – Chỉ với riêng điều này đã thể hiện tư duy “rất trẻ” của thế hệ cán bộ dày dạn kinh nghiệm.

Thực tế Thanh Hóa là một tỉnh quan trọng trong khúc ruột miền Trung. Về địa lý là một mắt xích kết nối hai miền Nam – Bắc. Về kinh tế, số liệu năm 2021 đã cho thấy tỉnh này đứng thứ 5/63 tỉnh thành, thu ngân sách nhà nước trên 32.400 tỉ đồng, vượt 22% dự toán năm và tăng 3% so với cùng kỳ. Về nhân tài, trong suốt chiều dài lịch sử, giai đoạn nào Thanh Hóa cũng sản sinh nhân vật đóng góp lớn cho đất nước… Những điều trên cho thấy địa phương là một “ứng viên” triển vọng cho mô hình hiệu quả về “nói được, lên kế hoạch được, làm được”.

Còn thực tế hiện nay, nếu đặt trong cái nhìn toàn cảnh, tỉnh này đang có sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Trong nhiều nguyên nhân, có lẽ “quá tải công việc lãnh đạo” khi địa phương có diện tích và dân số lớn hơn nhiều lần tỉnh khác. Do vậy, mong mỏi có thêm cấp phó tại nhiều sở để cáng đáng công việc không phải là không có lý.

Và nếu mong mỏi ấy được đáp ứng, câu hỏi mà nhiều người đặt ra sẽ không chỉ giới hạn trong số cộng về nhân sự mà là chất lượng những nhân sự ấy thế nào. Điều này nhất thiết phải tránh và ngăn những thực tế đã xảy ra. Đơn cử như hồi năm 2017, báo chí đưa tin Bí Thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch UBND, Bí thư đoàn thanh niên, cùng nhiều cán bộ khác tại xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa đều là người có quan hệ họ hàng với nhau.

Lo xa vậy để thấy sự băng lên hay tụt lại của một địa phương thông qua công tác cán bộ đòi hỏi sự công tâm, minh bạch vì lợi ích chung và dựa trên cơ sở thực tiễn.

Hi vọng đề xuất tăng cấp phó của xứ Thanh thực sự bắt nguồn từ tầm nhìn xa và “rất trẻ” của lãnh đạo tỉnh. Để bên cạnh sự phát triển kỳ vọng thì cũng từ đó, xóa hẳn băn khoăn và “lo xa” từ dư luận.