Người dân sống trong vùng ô nhiễm nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền cũng lắc đầu vì có ra quyết định xử phạt, đình chỉ nhưng luật còn nhiều kẽ hở, doanh nghiệp không đóng phạt, chây ì, dùng nhiều chiêu trò để tiếp tục hoạt động. Chưa kể, đẩy đuổi được cơ sở này thì cơ sở khác lại đến, có khi còn tệ hơn.

Nhiều lần đi thực tế tại các cơ sở tái chế nhựa hay thùng phuy, giặt ủi; hít phải mùi nhựa khét, bụi than, hóa chất, cổ họng tôi đau rát, mắt đỏ lừ, toàn thân mệt mỏi huống chi người dân quanh đó phải chịu đựng từ năm này qua năm khác. Bụi than, mùi nhựa khét, hóa chất chất chứa những độc tố theo gió đi xa vài cây số; chúng đi vào giấc ngủ trẻ thơ, vào chén cơm, tấm áo của người dân. Những thứ độc hại đó, nếu tích tụ lâu ngày thì nguy cơ gây bệnh là khó tránh khỏi.

Ấm ức. Bức xúc. Khổ sở. Là những gì người dân sống trong vùng ô nhiễm phải chịu đựng. Họ nói lúc đầu, khi thấy nhà đầu tư đến mở nhà máy, xí nghiệp thì mừng rỡ đón tiếp, bán đất giá tốt vì tin rằng có thể kiếm thêm vài đồng từ việc buôn bán, cho thuê nhà trọ, con em có công ăn việc làm ổn định. Thế nhưng, họ vỡ mộng vì sự bội tín của các chủ cơ sở; thu nhập không tăng, chất lượng sống đi xuống, con cháu sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên ốm đau, bệnh tật.

Nhìn những ống khói ngày càng dày đặc trong các khu dân cư, ven bờ kênh, tôi tin rằng không ít chủ cơ sở đang ăn nên làm ra. Đi thực tế, tôi được nghe kể về nhiều ông bà chủ từ nơi xa đến thành phố lập nghiệp, ban đầu chỉ là 1 nhà xưởng rồi mở thêm 2, 3 cái, mua đất, cất nhà lầu, sắm xe sang…

Lẽ ra họ phải biết ơn mảnh đất, con người đã giúp mình có cuộc sống ấm no, sung túc bởi những thứ của cải đó được đánh đổi một phần bằng sức khỏe của người dân sống quanh khu vực. Đằng này, họ lại vô ơn, bức hại môi trường, sản xuất thu lợi, bất chấp sức khỏe của người dân. Với những người vô ơn như vậy, xin lỗi, cho tôi nói thẳng: Họ là những ông chủ bất lương!