Trước đó, cuối tháng 2-2020, theo chân người dân làng Bya đến cánh rừng phòng hộ đầu nguồn do UBND xã Sró quản lý, phóng viên chứng kiến hàng chục cây gỗ lớn đã bị lâm tặc dùng cưa máy đốn hạ. Cây có đường kính từ 40 cm đến gần 1 m, đa phần đã được xẻ thành hộp. “Lâm tặc thường dùng trâu kéo gỗ về làng Bya tập kết” – người dẫn đường tiết lộ.

Phóng viên đã báo vụ việc cho các cơ quan chức năng địa phương. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, cho biết lực lượng chức năng đã 3 lần vào khu vực rừng bị khai thác trái phép. Bước đầu, hàng chục cây gỗ bị đốn hạ – khối lượng gần 16 m3 – được xác định thuộc Tiểu khu 805 rừng phòng hộ đầu nguồn do UBND xã Sró quản lý.

Hiện trường vụ phá rừng đầu nguồn tại xã Sró, huyện Kong Chro, tỉnh Gia Lai

Theo ông Ẩn, UBND huyện Kông Chro đã chỉ đạo thành lập chốt kiểm soát lâm sản tại làng Bya, phân công lực lượng luân phiên trực 24/24 giờ để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng tàn phá, vận chuyển cây rừng.

UBND huyện Kông Chro cũng đã yêu cầu hạt trưởng, phó hạt trưởng hạt kiểm lâm phụ trách địa bàn, kiểm lâm địa bàn, chủ tịch UBND xã Sró cùng trưởng công an xã, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã kiểm điểm trách nhiệm. Khi có kết luận chính thức của cơ quan điều tra, UBND huyện sẽ tiếp tục xử lý vi phạm theo quy định.

Trong khi đó, tại tỉnh Kon Tum, rạng sáng 5-3, lực lượng bảo vệ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô đã mật phục chặn bắt gỗ lậu ở khu rừng thuộc Tiểu khu 258 do đơn vị quản lý. Thấy động, 13 lâm tặc bỏ chạy tán loạn, vất lại 13 xe độ chế chở những hộp gỗ dài gần 2 m, dày hơn 20 cm.

Trước đó chỉ vài ngày, hôm 29-2, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô cũng đã bắt giữ 13 lâm tặc đang khai thác, vận chuyển gỗ trái phép cùng 11 xe độ chế. Theo ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Tô, vụ việc vẫn đang được mở rộng điều ra.