Việc đầu tư, xây dựng các nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) đạt chuẩn đã được quan tâm, tiến hành hiệu quả trong thời gian qua. Nhưng để NVSCC thật sự vệ sinh, góp phần nâng cao bộ mặt văn minh đô thị của thành phố, yếu tố con người vẫn giữ vai trò then chốt.

Những điểm sáng

Trong khi nhiều khu vực tại TP HCM thiếu NVSCC hoặc NVSCC xuống cấp, kém vệ sinh…, vẫn có rất nhiều NVSCC “4-5 sao” đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của người dân và du khách.

Rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, thiết bị hiện đại, thậm chí có cả nhạc không lời du dương. Đó là những điểm sáng dễ nhận thấy của các NVSCC tiêu chuẩn 4-5 sao ở các Công viên Tao Đàn, 23 Tháng 9 và Lê Văn Tám (quận 1, TP HCM)… Thân thiện hơn, trên tường còn treo thông điệp “Để bạn thực sự thoải mái khi gặp tôi, để tôi không ngại ngùng khi gặp bạn. Hãy cùng giữ vệ sinh nơi này bạn nhé” kèm biểu tượng mặt cười thân thiện. Người dân và du khách được sử dụng các NVSCC này hoàn toàn miễn phí.

Tại các nhà vệ sinh này được bố trí nhân sự chuyên trách trực theo ca, trực tiếp quản lý, giữ gìn vệ sinh để luôn được sạch sẽ, đem lại sự thoải mái, tiện nghi cho người dùng.

Tương tự, NVSCC tại phố đi bộ Nguyễn Huệ được thiết kế ngầm, có mái che, lối đi ưu tiên cho người khuyết tật. Lối lên xuống nhà vệ sinh sạch sẽ, có gắn nhiều đèn, không gian xung quanh bố trí bồn hoa đẹp mắt và các thiết bị vệ sinh được lắp đặt đều là hàng cao cấp.

Các NVSCC này do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM (thuộc Sở Xây dựng) quản lý, khai thác, phục vụ.

Quan trọng vẫn là ý thức con người - Ảnh 1.

Một góc nhà vệ sinh thân thiện với thiên nhiên tại Công viên Tao ĐànẢnh: phương tú

“Bàn tay” cộng đồng làm nên tất cả

Được kiểm tra, dọn dẹp, bảo dưỡng thường xuyên nên NSVCC đạt chuẩn luôn đáp ứng tốt và mang lại sự hài lòng cho đa số người dân và du khách. Tuy nhiên, thực trạng sử dụng thiếu ý thức của một bộ phận người dân đã gây ảnh hưởng đến tiện ích chung của mọi người. Rất nhiều lần, đơn vị quản lý phải sửa chữa, thay mới các thiết bị hư hỏng.

Mặt khác, tâm lý “cha chung không ai khóc” khiến một số người sử dụng NVSCC một cách tùy tiện, cẩu thả như: vứt bỏ giấy vệ sinh ở sàn nhà dù có thùng rác ngay cạnh, không giật nước bồn cầu, không khóa nước ở bồn rửa tay… gây ảnh hưởng đến vệ sinh, tài sản chung của cộng đồng.

Vì sao ở nước ngoài, NVSCC luôn sạch sẽ? Mấu chốt nằm ở việc quy hoạch tổng quan, dọn dẹp định kỳ, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống và vệ sinh công cộng của người dân…

Cách đây vài thập kỷ, một chiến dịch do Committee to End Pay Toilets in America (CEPTIA) khởi xướng tại Mỹ đã đưa ra điều luật cấm nhà vệ sinh trả phí ở một số thành phố và tiểu bang. Chicago là thành phố đầu tiên áp dụng vào năm 1973, theo tờ The Wall Street Journal. Những năm tiếp theo, số lượng nhà vệ sinh trả phí giảm đáng kể tại nhiều tiểu bang ở Mỹ. Không phải trả phí, được quy hoạch hợp lý, thiết kế hiện đại, tự động nên góp phần giúp người dân tự giác trong việc giữ vệ sinh chung.

Tuy vậy, hình thức NVSCC trả phí lại không hiếm gặp ở châu Âu. Những khoản thu phí nhỏ này được tái đầu tư vào quy trình vận hành, bảo trì thiết bị và dọn dẹp định kỳ. Cách thức này cũng giúp người dân ý thức hơn về việc chung tay gìn giữ vệ sinh.

Ở nhiều nước phát triển, chi phí trả lương cho nhân viên dọn dẹp vệ sinh định kỳ khá cao. Để đối mặt với lượng khách đông vào mùa cao điểm tại những nơi công cộng, đa phần nhà vệ sinh được thiết kế theo hướng dễ lau chùi và dọn dẹp, hệ thống bồn xả tự động, vòi rửa tay khống chế lượng nước tính theo số giây nên quy trình lau dọn nhanh, ít tốn công sức mà vẫn bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh khắt khe.

Hơn nữa, do tác động của dịch bệnh trong thời gian dài, nhiều hệ thống NVSCC thông minh đã được cải tiến theo hướng hạn chế tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người cũng như giảm sự có mặt thường xuyên của nhân viên dọn dẹp. Do đó, việc giữ vệ sinh chung lại càng đơn giản, người dân càng ý thức hơn về vai trò của chính mình trong công cuộc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

Giáo dục từ nhỏ

Ở các nước Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, ý thức giữ gìn vệ sinh chung được rèn luyện ngay từ khi ngồi ở ghế nhà trường và trong từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống. Đặc biệt ở Tây Âu, dù nhà vệ sinh có diện tích khiêm tốn nhưng được thiết kế gọn gàng, thông minh, sạch sẽ.

Thậm chí, một số bang ở Mỹ còn đưa vào chương trình giáo dục phổ thông khóa học gọi là “toilet training” với hướng dẫn chi tiết cho giáo viên để dạy cho các bé và chia sẻ với phụ huynh. Ở Anh, các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh chung được tiến hành cho trẻ rất bài bản. Sự rèn luyện, chăm chút từ nhỏ giúp ý thức tự giác vì cái chung ngấm sâu trong tư duy và hành động của mỗi người dân. Chính phủ các nước cũng có chế tài thưởng – phạt nghiêm minh. Đó là nền tảng cốt lõi giúp cho các công trình công cộng, chứ không chỉ riêng NVSCC.