3 cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát PCCC hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy tại một quán karaoke (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) khiến dư luận bàng hoàng, thương tiếc và cảm phục.

Thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều vụ cháy nổ xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và của, trong đó có những mất mát, hy sinh của lực lượng cảnh sát PCCC đang làm nhiệm vụ. Chỉ riêng trong năm 2021, theo thống kê, cả nước xảy ra 2.245 vụ cháy, làm 85 người chết, bị thương 130 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ 374,42 tỉ đồng.

Thực tế cho thấy hầu hết các vụ cháy nổ, ngoài nguyên nhân khách quan, rất nhiều vụ xuất phát từ sự chủ quan, bất cẩn của hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Trong đó nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh, các điểm kinh doanh các loại hình dịch vụ giải trí (như quán bar, karaoke, vũ trường…) tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ nhưng chủ các cơ sở có tâm lý chủ quan, ngại tốn kém chi phí, chỉ trang bị để đối phó mỗi khi cơ quan chức năng kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ. Trong khi hậu quả cháy nổ thường vô cùng nặng nề, gấp hàng trăm lần so với chi phí trang bị, lắp đặt, tập huấn phòng chống cháy nổ định kỳ hằng năm…

Để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả thương tâm, đau lòng và những mất mát, hy sinh, đã đến lúc công tác PCCC, phòng chống cháy nổ tại mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, doanh nghiệp và các điểm kinh doanh cần phải được coi là nhiệm vụ sống còn, phải được quan tâm và đầu tư đúng mức. Ngoài những trang thiết bị bắt buộc phải có theo quy định, lối thoát hiểm, cần nghiên cứu, xem xét, bắt buộc phải đầu tư, trang bị những trang thiết bị hiện đại, phù hợp hơn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy nổ, giảm bớt những thiệt hại có thể xảy ra, nhất là về nhân mạng.

Ngoài ra, cần xử lý mạnh tay hơn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các điểm kinh doanh các loại hình dịch vụ có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nhưng thiếu các biện pháp an toàn để phòng ngừa, ngăn chặn; vi phạm pháp luật nghiêm trọng công tác PCCC.