Ngoài uy hiếp, khủng bố tinh thần con nợ và người thân, nạn côn đồ đòi nợ thuê còn lộng hành đến mức lao vào tấn công người, đánh, trói, bắt cóc và tống tiền bằng thủ đoạn tàn nhẫn, hành động manh động, coi thường luật pháp và mạng người.

Câu chuyện hàng loạt viên chức giáo dục ở Nghệ An dính vào vòng xoáy nợ nần, bị “khủng bố”, bị tấn công bằng mọi thủ đoạn đê tiện nhất là chuyện gây nhức nhối dư luận những ngày qua. Qua báo cáo của các đơn vị gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, có 95 người bị “khủng bố” đòi nợ từ các tổ chức tín dụng. Trong đó, 25 người xác nhận vay tiền, còn 70 người không hề vay nợ vẫn bị tấn công bằng tin nhắn, điện thoại và dùng hình ảnh công khai đòi nợ trên mạng xã hội…

Giữa vòng vây tín dụng đen giăng mắc vô số bẫy lọc lừa, người lương thiện trót sa chân vào là tan cửa nát nhà. Người thân, người quen, đồng nghiệp cũng xao xác trong cơn vây hãm của các đường dây vay nặng lãi núp bóng tổ chức tín dụng.

Vừa qua, Cục Cảnh sát Hình sự – Bộ Công an phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội đã triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua ứng dụng và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia ở 3 tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Gần 300 đối tượng bị bắt giữ, trong đó có nhiều người nước ngoài.

Đây là nỗ lực lớn của cơ quan chức năng trong ngăn ngừa, chặn đứng, dẹp bỏ các tổ chức tín dụng đen, vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn rất nhiều người dân lương thiện liên tục bị tấn công, “khủng bố” một cách công khai và manh động. Qua đó thấy rằng quá trình điều tra và xử lý của chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan có nơi, có lúc chưa thật rốt ráo, chưa tạo được sự răn đe cần thiết.

Một xã hội thượng tôn pháp luật, mỗi công dân phải sống và làm việc dưới ánh sáng của công lý, chính nghĩa không thể chấp nhận kiểu cho vay “cắt cổ”, đòi nợ “giang hồ” khiến người lương thiện phải sống trong thấp thỏm, phập phồng, bất an.