Thế nhưng, đây cũng là nơi liên tục xảy ra chuyện sách bị mất mát, thất lạc, không được quản lý đúng mực.

Không phải lần đầu Viện Nghiên cứu Hán Nôm có thông tin mất sách. Cuối tháng 12-2022, viện xác nhận mất 25 cuốn, trong đó có 4 cuốn “Toàn Việt thi lục”, thuộc 3 bộ khác nhau, do Lê Quý Đôn biên soạn; “Việt âm thi tập” do nhà sử học Phan Phu Tiên và Thị Ngự sử Chu Xa kế tục biên soạn. Sau đó, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết đã báo cáo tình hình cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và đã có công văn gửi cơ quan công an đề nghị làm rõ sự việc. Trong khi chờ kết quả điều tra, sáng 20-3, ông Nguyễn Xuân Diện, Phó Phòng Nghiên cứu Văn học và Lịch sử Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thông tin về sự việc trên trang cá nhân: “Viện lại mất thêm 110 cuốn sách, 877 cuốn khác trong kho mủn nát, không thể phục chế”.

Xót xa quá! Sử sách nước nhà đã thất lạc nhiều qua những biến động của dòng chảy lịch sử, những quyển sách còn giữ lại được đến nay thật quý hiếm vì còn lưu giữ được giá trị văn hóa – tinh thần của cha ông nhưng chúng ta không bảo quản tốt, để bị mất thì thật đáng buồn, đáng trách.

Đừng bao biện theo kiểu sách bị thất thoát vốn đã có bản scan màu, bản photocopy, được thực hiện từ trước (tức nội dung sách không bị mất) hay do điều kiện thời tiết, khí hậu của nước ta khiến công việc bảo quản gặp nhiều khó khăn.

Kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm được nhà nước giao quản lý là tài sản quốc gia quý giá, kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.

Trải qua nhiều biến động lịch sử, nhiều sách cổ, tài liệu, di sản, di tích của chúng ta đã bị tàn phá, hư hỏng và mất mát nhiều. Bây giờ công tác bảo tồn, gìn giữ lại chểnh mảng thì đến đời con cháu chúng ta còn lại gì?

Cần lắm có rà soát trách nhiệm, tìm kiếm trong nội bộ theo quy chế phân công, phân nhiệm một cách toàn diện. Thậm chí mời công an vào cuộc, dùng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm lại cổ vật, xử lý đến cùng trách nhiệm những người liên quan.