Nhưng ấn tượng nhất là cung cách phục vụ của tài xế, tiếp viên tuyến xe này. Một lần, sau khi nghe thông báo đến trạm Lê Hồng Phong, tài xế còn dặn dò thêm: “Ai đi xe Phương Trang thì xuống đây nghe bà con”. Khi xe đến trạm Hùng Vương, anh tiếp viên cũng niềm nở: “Bà con nào muốn đến Bệnh viện Chợ Rẫy thì chịu khó đi vòng theo tay mặt nghe”.

Nhiều lần đi trên chuyến xe buýt số 54, lộ trình Bến xe Miền Đông – Bến xe Chợ Lớn, tôi đều chứng kiến những hành động rất đáng khen của cô tiếp viên như nhiệt tình giúp hành khách lên xe, sắp xếp chỗ ngồi, giúp mang hành lý lên xuống xe… Điều đặc biệt là trên môi cô lúc nào cũng có nụ cười, cũng được hành khách xuống trạm gửi lời cảm ơn.

TP HCM không khó để có những chuyến xe buýt thân thiện, văn minh, hấp dẫn khách nếu Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng như các hợp tác xã vận tải, công ty vận tải công cộng phối hợp làm ngay những việc dưới đây.

Trước hết, trên mỗi tuyến xe, mỗi đầu xe có một hệ thống báo trạm tự động để hỗ trợ người mới đi xe buýt an tâm và cả người đi lâu năm được thoải mái.

Thứ hai là thái độ, hành vi, cung cách phục vụ của tài xế cũng như tiếp viên. Bàn tay còn có ngón ngắn, ngón dài thì chuyện ứng xử với hành khách của mỗi tài xế, tiếp viên có nơi này, nơi khác là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để hoàn thiện phương tiện vận tải công cộng này, cần thường xuyên tổ chức các hình thức học tập về cung cách phục vụ của cả tài xế, tiếp viên và nhân viên đối với hành khách, có nhắc nhở, kiểm tra định kỳ, thi đua, khen thưởng. Nên có những hội thi hoặc phát động những tháng chủ đề phục vụ hành khách cho tài xế, tiếp viên và nhân viên ngành. Đặc biệt, cần thường xuyên tổ chức học tập, khen thưởng những gương điển hình tốt, xuất sắc của tài xế, tiếp viên. Đây là vấn đề mà các hợp tác xã, công ty vận tải chưa quan tâm lắm trong khi những hoạt động có ý nghĩa nêu trên đưa vào lịch công tác thường xuyên là không khó.

Thứ ba, thường xuyên theo dõi, kiểm tra và kịp thời duy tu, bảo dưỡng, thay mới các thiết bị phục vụ hành khách là điều rất cần thiết.