Hằng năm, tôi lại ngước nhìn lên bầu trời xám xịt của mùa đông, cố gạt đi khung cảnh những nhành cây cằn cỗi đang oằn mình chống chọi mưa dầm gió lốc “đặc sản” của Scotland trong hiện thực, để tâm trí được bay bổng đến dải đất hình chữ S thân thương và thong dong ăn Tết trong tâm tưởng.

Ngược dòng thời gian, kỷ niệm gắn liền với Tết xưa nhất mà tôi có thể nhớ là hồi lên 6-7 tuổi đón giao thừa ở nhà ngoại. Tết đến, nhà nào trong xóm cũng ráng sắm sửa ít nhất một dây pháo để đốt vào đêm giao thừa. Cả khu phố đì đùng tiếng pháo, tụi con nít ở trong nhà, bịt chặt hết hai tai mà vẫn thấy đinh tai nhức óc, lại còn thêm mùi khói pháo nồng nặc xộc lên mũi. Qua sáng mùng một, con đường trước nhà ngoại tôi được nhuộm hồng rực. Lúc còn nhỏ, tôi không hiểu nổi vì sao pháo nổ điếc tai, hôi rình như thế mà người lớn cứ tới Tết là lại đốt nhưng giờ đây khi hồi tưởng lại, tôi nghĩ mình đã có câu trả lời: Các ông bà, cô chú của cái xóm lao động nghèo ven kênh Tàu Hũ ấy đã gửi gắm bao ước vọng về một năm tấn tài tấn lộc vào từng dây pháo.

Nhớ Tết xưa, ngẫm Tết nay - Ảnh 1.

Tôi lại nhớ năm mình học lớp 5 được đưa về quê nội nghỉ Tết. Tôi sinh ra và lớn lên ở TP HCM nên đó là lần đầu tiên trong đời được ăn Tết ở nông thôn, lại là vùng trung du phía Bắc. Lạ lẫm mà thích thú đến từng giác quan là cảm nhận của tôi về chuyến đi ấy. Mắt tôi được nhìn thấy con trâu, con bò ngoài đời thực. Mũi ngửi mùi hương trầm thơm nồng, mùi củi bếp ngai ngái. Tai được nghe tiếng nổ lép bép của nồi bánh chưng trong sân, tiếng gọi nhau í ới của đám mục đồng trên đường làng. Từ vị ngọt của rau củ nhà trồng cho đến cái rét buốt mùa đông phương Bắc đều khiến tôi mê mẩn.

Sau này lớn lên, tuy vẫn háo hức từ lúc tờ lịch trên tường được giở đến ngày 23 tháng chạp nhưng tôi lại thấy phong vị Tết ít nhiều đã nhạt dần. Là người lớn nên phải lo toan nhiều hơn, chứ không còn vô tư ăn, ngủ, chơi rồi được lì xì như lúc còn thơ dại. Cũng có thể do thời nay, hầu như mọi món ăn, thức quà ngày Tết đều có thể mua được nên nồi bánh chưng, chảo mứt, nong phơi hành, kiệu…dần biến mất khỏi những ngôi nhà phố thị, để lại sự thiếu vắng trong tâm hồn những người lớn đã từng trải qua nhiều cái Tết gắn liền với chúng và khiến trẻ con mặc định Tết từ siêu thị mà ra. Con người thường trân quý những đồ vật do chính tay mình làm nên. Phải chăng thời nay vì cuộc sống quá đủ đầy, cái gì cũng được làm sẵn nên chúng ta trở nên thờ ơ hơn, xem mọi thứ là điều đương nhiên, để rồi Tết không còn mang đến sự rộn ràng trong tâm hồn mình như xưa.

Tình trạng đó chỉ phổ biến ở các thành phố lớn, chứ ở vùng quê thì cái hồn của Tết vẫn còn được gìn giữ kỹ lưỡng lắm. Mấy ngày giáp Tết, ra khỏi địa phận thành phố, tới các tỉnh lân cận sẽ thấy hầu như sân nhà nào cũng có vài cái nong phơi củ hành, củ kiệu, còn bên hiên nhà là khung cảnh người lớn bày mâm trải lá gói bánh chưng, vừa làm vừa rôm rả chuyện trò. Lũ trẻ tíu tít chơi với nhau trong sân, đuổi gà rượt chó chán chê rồi thì lại chạy đến vòi bà, vòi mẹ cho tập tành gói bánh.

Nếu có điều kiện, người lớn chúng ta nên đưa con trẻ về quê nghỉ Tết. Chuyến về quê nội ăn Tết của tôi năm lên 10 tuổi tuy chỉ kéo dài khoảng một tuần nhưng đã mang đến khối kiến thức về nét truyền thống gắn liền với Tết Nguyên đán nhiều hơn cả một năm học miệt mài bên sách vở. Chuyến đi ấy đã trở thành cột mốc quan trọng trong cuộc đời vì nó giúp tôi biết thêm nhiều điều về dòng họ của mình, nhờ đó những mạch ngầm liên kết với ông bà tổ tiên trở nên bền chắc hơn. Như cái cây vững vàng nhờ gốc, con người một khi hiểu rõ về lai lịch, nguồn cội của bản thân sẽ khó đánh mất mình hơn khi mai này phải đương đầu cùng bão tố trên đường đời.

Chỉ cần gia đình quây quần bên nhau thì ngày nào cũng là Tết. Ngược lại, khi các thành viên mỗi người một phương thì dẫu ngoài ngõ có rộn vang tiếng nhạc xuân, dẫu trong nhà có rực rỡ đào mai, dẫu trên bàn có thịnh soạn mâm cao cỗ đầy đi nữa thì lòng người vẫn héo hắt. Tôi yêu người Việt Nam ở chỗ luôn cố gắng tìm đến nhau, có khi chỉ để hàn huyên năm ba câu bên ly cà phê buổi sáng. Sống ở nước ngoài nhiều năm, tôi lại càng thấy tập tính đó đáng quý, nhất là trong thời kỳ bị phong tỏa do dịch COVID-19. Ngày thường đã vậy, huống hồ là Tết! Thế nên, những hội, nhóm người Việt ở nước ngoài hằng năm đều tổ chức buổi họp mặt mừng xuân, để những người con tha phương mang nặng nỗi nhớ kết nối với nhau vào dịp lễ thiêng liêng nhất của dân tộc, để những đứa trẻ được sinh ra nơi đất khách hiểu thêm về đồng bào, về Tết Việt.

Năm 2022 khép lại nhưng nỗi lo về lạm phát, về vật giá leo thang có lẽ sẽ còn đeo đuổi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sang năm 2023. Trong bối cảnh cần thắt chặt chi tiêu hiện nay, phải chăng các địa phương cũng nên giảm bớt quy mô của các lễ hội đầu xuân. Gìn giữ bản sắc dân tộc là điều nên làm nhưng liệu có cần thiết kéo dài hội hè đình đám đến hết tháng giêng như từ trước đến nay?

Giá trị đích thực của Tết nằm ở chỗ gia đình, họ hàng quần tụ bên nhau sau một năm dài bươn chải kiếm sống. Chỉ cần chúng ta giữ được điều quý giá đó, Tết sẽ còn hiện diện mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam.

“Quà nào bằng gia đình sum họp,

Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”. (*)

(*) Lời ca khúc “Ước mơ ngọt ngào”,

nhạc sĩ Hoài An